Chương 18: Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh - Chương 18: Anne Đến Cứu

Tất cả những điều lớn lao đều ảnh hưởng đến tất cả những điều nhỏ nhặt. Thoạt nhìn thì quyết định của ngài Thủ tướng Canada nào đó về việc gộp đảo Hoàng tử Edward vào trong chuyến ngoại giao chính trị có vẻ chẳng liên quan gì đến số mệnh của Anne Shirley nhỏ bé ở Chái Nhà Xanh. Nhưng hóa ra có đấy.

Thủ tướng tới vào tháng Một, để nói chuyện với những người ủng hộ trung thành và cả những người không ủng hộ ông bằng cách tham dự buổi meeting lớn tổ chức ở Charlottetown. Hầu hết người dân Avonlea đều ủng hộ Đảng của Thủ tướng; vì vậy tối hôm meeting gần như tất cả đàn ông và phần lớn phụ nữ đều đi xuống thị trấn cách đó ba mươi dặm. Bà Rachel Lynde cũng đi. Bà Rachel Lynde là một nhà chính trị gia vô cùng nhiệt huyết và không thể tin rằng cuộc meeting chính trị này có thể tiến hành suôn sẻ mà không có bà, mặc dù bà ở phe đối lập. Vậy là bà xuống thị trấn, dẫn theo chồng mình – ông Thomas có thể hữu ích trong việc trông nom ngựa – và Marilla Cuthbert. Bà Marilla cũng có sự hứng thú thầm kín đối với chính trị, và vì cho rằng đây có thể là cơ hội duy nhất để thấy một Thủ tướng bằng xương bằng thịt nên bà ngay lập tức đồng ý tham gia, để Anne và Matthew ở lại trông nom nhà cửa cho đến khi bà trở lại vào hôm sau.

Do đó, khi bà Marilla và bà Rachel đang tận hưởng niềm vui ở buổi meeting thì Anne và ông Matthew được làm chủ cả một căn bếp vui vẻ ở Chái Nhà Xanh. Ngọn lửa sáng bập bùng trong cái lò Waterloo kiểu cổ còn những bông tuyết giá lạnh trắng xanh lấp lánh bên ô cửa sổ. Ông Matthew gật gù trên sofa với quyển Luật sư của nông dân còn Anne ngồi bên bàn học bài với vẻ quyết tâm không gì lay chuyển được, mặc dù vẫn thỉnh thoảng liếc mắt đầy nuối tiếc lên kệ đồng hồ, nơi đặt cuốn sách mới mà Jane Andrews cho mượn hôm trước. Jane đã đảm bảo là cuốn sách rất hồi hộp mà lời văn cũng cảm xúc không kém, và những ngón tay của Anne cứ ngứa ngáy muốn với lấy nó. Nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với chiến thắng của Gilbert Blythe vào ngày mai. Anne quay lưng lại kệ đồng hồ và cố gắng tưởng tượng như nó không có ở đó.

"Matthew, hồi đi học bác có học hình học không?"

"À ừ, không, bác không học." ông Matthew nói, giật mình thoát khỏi cơn mơ màng.

"Con ước gì bác có học," Anne thở dài, "vì như thế bác mới thông cảm với con. Bác không thể thông cảm hoàn toàn nếu bác chưa từng học môn đó. Nó đang phủ mây mù lên cả cuộc đời con. Con thật dốt môn này, bác Matthew."

"À ừ, ta không biết," ông Matthew nói giọng dỗ dành. "Ta nghĩ con học gì cũng khá. Tuần trước, thầy Phillips nói với ta lúc ở tiệm của Blair tại Carmody rằng con là học sinh thông minh nhất trường và tiến bộ rất nhanh.’Tiến bộ nhanh’ là từ thấy ấy đã dùng đấy. Người ta cứ nói không hay về Teddy Phillips, cho rằng ông ấy không có tư chất giáo viên, nhưng ta nghĩ ông ấy cũng được."

Ông Matthew luôn cho rằng bất kỳ ai khen Anne đều là người "được" cả.

"Con chắc chắn mình sẽ khá môn hình học hơn nếu thầy ấy không thay đổi các ký hiệu," Anne ca cẩm. "Con đã học thuộc lòng các mệnh đề rồi nhưng khi viết lên bảng thầy ấy lại điền các ký hiệu khác trong sách, thế là con lẫn lộn lung tung cả lên. Con nghĩ một thầy giáo thì không nên ăn gian như thế chứ, đúng không ạ? Giờ tụi con đang học nông nghiệp và cuối cùng con cũng hiểu tại sao đường sá lại màu đỏ. Thật là tuyệt. Không biết bác Marilla và bà Lynde đang vui vẻ thế nào nhỉ. Bà Lynde nói rằng cứ theo cách người ta điều hành Ottawa thì Canada đang xuống dốc rồi và đó là lời cảnh báo ghê gớm cho cử tri. Bà nói nếu phụ nữ mà được quyền bầu cử thì chúng ta sẽ mau chóng thấy những thay đổi kỳ diệu. Bác bầu cho bên nào, Matthew?"

"Đảng Bảo thủ," ông Matthew nói nhanh. Bầu cho đảng Bảo thủ là một phần tín ngưỡng của ông.

"Vậy con cũng theo đảng Bảo thủ," Anne nói chắc chắn. "Con rất mừng, vì Gil... vì một số đứa con trai trong trường theo đảng Tự do. Con đoán thầy Phillips cũng theo đảng Tự do vì cha của Prissy Andrews theo phe đó, mà Ruby Gillis đã nói rằng khi một người con trai theo đuổi ai thì luôn phải đồng tình với mẹ cô gái về tôn giáo và cha cô gái về mặt chính trị. Có đúng không, bác Matthew?"

"À ừ, ta không biết nữa," ông Matthew nói.

"Bác đã bao giờ theo đuổi ai chưa, bác Matthew?"

"À ừ, chưa, theo bác nhớ thì chưa," ông Matthew, người hẳn cả đời chưa từng nghĩ đến chuyện đó, trả lời.

Anne chống tay lên cằm ngẫm nghĩ.

"Chắc thú vị lắm, bác có nghĩ vậy không, bác Matthew? Ruby Gillis nói khi lớn lên bạn ấy sẽ có rất nhiều anh chàng đẹp trai theo đuổi và phát điên vì bạn ấy, nhưng con nghĩ như thế thì náo động quá. Còn thà chỉ có một người thôi nhưng tâm trí tỉnh táo. Nhưng Ruby Gillis biết nhiều về mấy chuyện đó lắm vì bạn ấy có nhiều chị gái mà, và bà Lynde nói con gái nhà Gillis đắt chồng lắm. Gần như tối nào thầy Phillips cũng đến gặp Prissy Andrews. Thầy ấy nói là để giúp chị ta học nhưng Miranda Sloane cũng học để thi vào trường Queen và con nghĩ chị ấy cần được giúp nhiều hơn Prissy vì chị ấy ngốc hơn nhiều, nhưng thầy chẳng bao giờ đến giúp chị ấy buổi tối cả. Có quá nhiều thứ trên thế giới này mà con không hiểu hết được, bác Matthew."

"À ừ, cả ta cũng không biết mình có hiểu hết không," ông Matthew thừa nhận.

"Ái chà, con nghĩ mình phải học bài cho xong thôi. Khi còn chưa học xong thì con sẽ không cho phép mình mở cuốn sách mới mà Jane cho mượn. Nhưng đó thật là một sự quyến rũ khủng khiếp, bác Matthew. Ngay cả khi quay lưng lại con vẫn thấy rõ mồn một là nó ở đó. Jane nói khi đọc cuốn đó bạn ấy đã khóc nức nở. Con yêu những cuốn sách làm con khóc. Nhưng con nghĩ con sẽ đem nó vào phòng khách rồi khóa trong tủ mứt và đưa cho bác chìa khóa. Và bác không được đưa lại cho con đâu, bác Matthew, cho đến khi con đã học xong, ngay cả khi con quỳ xuống năn nỉ bác cũng không được đưa đâu. Nói rằng mình sẽ cưỡng lại sự quyến rũ là một việc rất tốt, nhưng sẽ dễ cưỡng lại hơn nhiều nếu mình không lấy được chìa khóa. Con chạy xuống hầm lấy ít táo nâu nhé, bác Matthew? Bác có muốn ăn táo nâu không?"

"À ừ, ta không biết nhưng cũng được," Matthew nói, ông không bao giờ ăn táo nâu nhưng biết rất rõ Anne thích món này.

Ngay khi Anne đắc thắng nhô lên từ dưới hầm rượu với một đĩa đầy táo nâu thì có tiếng bước chân dồn dập bên ngoài khung cửa giá lạnh và ngay phút sau cửa bếp bật mở rồi Diana Barry vội vã chạy vào, mặt trắng bệch, thở không ra hơi, khăn choàng quấn vội quanh đầu. Anne bất ngờ đến nỗi ngay lập tức rớt cả nến lẫn đĩa, vậy là đĩa, đèn cầy, táo cùng nhau lăn lông lốc xuống cầu thang hầm rượu, và ngày hôm sau, bà Marilla phát hiện ra chúng nằm trên sàn nhà trong một mớ dầu chảy hỗn độn bèn dọn dẹp lại, thầm tạ ơn Chúa vì may mà căn nhà đã không bắt lửa.

"Chuyện gì vậy, Diana?" Anne la lên. "Mẹ cậu cuối cùng cũng đổi ý rồi à?"

"Ôi, Anne, tới nhanh lên," Diana nài nỉ vẻ lo lắng. "Minnie May bệnh nặng lắm – Mary Joe Em nói nó bị viêm tắc thanh quản – mà cha mẹ mình xuống thị trấn rồi và không có ai đi tìm bác sĩ được. Minnie May ốm nặng còn Mary Joe Em không biết phải làm gì – ôi, Anne, mình sợ quá!"

Ông Matthew, không nói lời nào, đi lấy mũ và áo khoác, lướt qua Diana rồi biến mất trong bóng tối ngoài sân.

"Bác ấy đi thắng ngựa để đến Carmody mời bác sĩ," Anne nói, vớ vội mũ trùm đầu và áo choàng, "mình biết rõ như thể bác ấy đã nói ra vậy. Matthew và mình là tri âm nên mình có thể đọc được suy nghĩ của bác ấy mà không cần nói lời nào cả."

"Mình không tin bác ấy sẽ tìm được bác sĩ ở Carmody," Diana sụt sùi. "Mình biết bác sĩ Blair đã xuống thị trấn rồi và mình đoán bác sĩ Spencer cũng thế. Mary Joe Em chưa gặp ai mắc bệnh viêm tắc thanh quản còn bà Lynde lại không có nhà. Ôi, Anne!"

"Đừng khóc, Di," Anne an ủi. "Mình biết chính xác phải làm gì với bệnh viêm tắc thanh quản. Cậu quên là bà Hammond sinh đôi đến tận ba lần à. Nếu phải trông ba cặp sinh đôi thì tự nhiên cậu sẽ thu được rất nhiều kinh nghiệm. Mấy đứa đó đều thường xuyên bị viêm tắc thanh quản. Chờ chút để mình lấy lọ ipecac – biết đâu nhà cậu không có nó. Giờ thì đi nào."

Hai bé gái vội vã nắm tay đi ra, hối hả băng qua đường Tình Nhân rồi cánh đồng cỏ đông cứng, vì tuyết ngập quá sâu nên không thể đi đường tắt được. Anne, mặc dù chân thành cảm thương Minnie May, vẫn không thể vô cảm trước khung cảnh lãng mạn và trước sự ngọt ngào của việc lại một lần nữa được chia sẻ sự lãng mạn này với một tâm hồn đồng điệu.

Bóng tối trong trẻo và giá lạnh, với cái đen đặc của bóng đêm và ánh sáng bạc của những triền tuyết; sao lấp lánh trên cánh đồng tĩnh lặng; đây đó những cây vân sam tối sẫm vươn thẳng lên trời, bông tuyết rắc trên cành và gió thì thào xung quanh. Anne nghĩ thật sự rất vui khi được trải qua tất cả những vẻ bí ẩn và đáng yêu này cùng người bạn tâm giao đã lâu ngày xa cách.

Minnie May, ba tuổi, thực sự đang rất nguy kịch. Nó nằm trên sofa trong bếp, vật vã vì sốt, trong khi hơi thở khò khè vang khắp nhà. Mary Joe Em, một cô gái Pháp đẫy đà, mặt phương phi sống ở dưới thung lũng, vẫn được bà Barry nhờ trông lũ trẻ khi bà đi vắng, bất lực và hoang mang, hoàn toàn không thể nghĩ ra phải làm gì, mà cho dù có nghĩ ra thì cũng không thể làm được.

Anne vào việc hết sức thuần thục và nhanh chóng.

"Minnie May mắc bệnh viêm tắc thanh quản; tình trạng con bé hơi tệ nhưng mình từng thấy những đứa còn tệ hơn nhiều. Đầu tiên chúng ta phải có thật nhiều nước nóng. Mình chắc chắn trong siêu nước chỉ còn cùng lắm là hơn một cốc đầy, Diana! Rồi, em đổ đầy rồi đây, Mary Joe, có lẽ chị nên thêm ít củi vào lò. Em không muốn làm chị tổn thương đâu nhưng theo em nếu có chút trí tưởng tượng nào thì có lẽ chị phải nghĩ ra việc này từ trước mới phải. Giờ, mình sẽ cởi đồ của Minnie May và đặt con bé lên giường còn bạn cố tìm ít vải mềm đi, Diana. Trước hết mình sẽ cho con bé một liều ipecac."

Minnie May không chịu ngoan ngoãn uống ipecac nhưng đâu có phải Anne chẳng học được gì sau thời gian chăm sóc ba cặp song sinh. Suốt buổi tối dài dằng dặc ngập tràn lo lắng ấy, ipecac được cho uống không phải một mà tận mấy lần liền, trong khi hai bé gái kiên nhẫn chăm sóc Minnie May đang bệnh, còn Mary Joe Em, chân thành mong muốn được làm tất cả những gì có thể, giữ ngọn lửa cháy rực và đun nhiều nước hơn cần thiết, đủ cho một bệnh viện chật ních trẻ bị viêm tắc thanh quản.

Lúc ba giờ, Matthew đưa một bác sĩ tới, vì ông phải đi cả đoạn đường dài đến tận Spencervale mới mời được. Nhưng thời điểm nguy kịch đã qua. Minnie May đã khá lên nhiều và đang ngủ say sưa.

"Con đã suýt bỏ cuộc trong tuyệt vọng," Anne giải thích. "Con bé càng lúc càng yếu cho đến khi tình trạng còn tệ hơn mấy cặp song sinh nhà Hammond nữa, kể cả cặp cuối. Thật ra con đã nghĩ con bé có thể nghẹt thở đến chết mất. Con cho nó uống hết sạch ipecac trong lọ và khi giọt cuối cùng trôi xuống con tự nói với mình – không phải với Diana hay Mary Joe Em, vì con không muốn họ lo lắng hơn nữa, nhưng con phải nói cho nhẹ người – ‘Đây là hy vọng mong manh cuối cùng và mình e rằng chỉ là vô ích thôi.’ Nhưng khoảng ba phút sau con bé khạc đờm ra và bắt đầu khá hơn. Ông hẳn phải tưởng tượng ra sự nhẹ nhõm của con, bác sĩ, vì con không thể diễn tả nó bằng lời. Ông biết rằng có nhiều thứ không thể diễn tả bằng lời mà."

"Ừ, ta biết," vị bác sĩ gật đầu. Ông nhìn Anne cứ như thể ông đang có một suy nghĩ không thể diễn tả bằng lời nào đó về con bé. Tuy nhiên, sau đó, ông đã diễn tả lại cho ông bà Barry.

"Bé gái tóc đỏ nhà Cuthbert khôn ngoan hết sức. Tôi phải nói với các vị rằng nó đã cứu sống đứa nhỏ, vì nếu đợi tới lúc tôi đến thì đã quá trễ rồi. Có vẻ như con bé có những kỹ năng và khả năng tư duy rất tuyệt vời so với đám trẻ cùng tuổi. Tôi chưa từng thấy cái gì giống như đôi mắt con bé khi nó giải thích sự việc lại cho tôi."

Anne về nhà trong một buổi sáng mùa đông lạnh giá và trắng xóa đẹp tuyệt vời, mắt lờ đờ vì thiếu ngủ nhưng vẫn nói không ngừng nghỉ với ông Matthew trong lúc cả hai băng qua cánh đồng trắng xóa trải dài và bước dưới những vòm phong lấp lánh thần tiên của con đường Tình Nhân.

"Ôi, bác Matthew, đây chẳng phải một buổi sáng tuyệt vời sao? Cả thế giới như được Chúa tưởng tượng ra để thỏa mãn niềm vui của Người vậy, đúng không? Mấy cái cây đó trông như con có thể thổi bay đi trong một hơi vậy – phù! Con rất vui vì được sống trong một thế giới sương trắng, phải không bác? Và cuối cùng con cũng rất vui vì bà Hammond đã có ba cặp sinh đôi. Nếu không như vậy thì con cũng sẽ chẳng biết phải làm gì với Minnie May. Con rất tiếc là đã giận dữ với bà Hammond vì chuyện sinh đôi. Nhưng ôi, bác Matthew, con buồn ngủ quá. Con không đến trường được. Con chỉ biết mình không thể mở mắt nổi và con hẳn sẽ ngốc lắm. Nhưng con ghét phải ở nhà, vì Gil... vài đứa khác sẽ đứng đầu lớp và sẽ khó đoạt lại vị trí đó... mặc dù dĩ nhiên công việc càng khó khăn thì khi hoàn thành sẽ càng thỏa mãn, đúng vậy không ạ?"

"À ừ, ta nghĩ con sẽ thu xếp ổn thỏa thôi," ông Matthew nói khi nhìn gương mặt nhỏ bé xanh nhợt và quần thâm dưới mắt con bé. "Con cứ việc lên giường ngủ ngon lành. Ta sẽ làm hết việc nhà."

Anne vâng lời leo lên giường và ngủ một giấc dài êm ái đến nỗi bên ngoài đã là một buổi chiều mùa đông trắng hồng khi con bé thức dậy và xuống bếp, nơi bà Marilla, lúc này đã về nhà, đang ngồi đan len.

"Ôi, bác có thấy Thủ tướng không?" Anne ngay lập tức kêu lên. "Ông ấy trông thế nào, bác Marilla?"

"À, ông ấy sẽ không bao giờ giành được chức Thủ tướng nếu nhờ vào vẻ bề ngoài," bà Marilla nói. "Ông ấy có cái mũi đến là hay! Nhưng ông ấy biết cách ăn nói. Ta tự hào mình là một người theo đảng Bảo thủ. Rachel Lynde theo đảng Tự do, tất nhiên rồi, nên chẳng ưa gì ông ấy. Bữa trưa của con trong lò đó, Anne, con có thể lấy ít mứt mận xanh trong chạn. Ta đoán là con đói lắm. Matthew đã kể cho ta chuyện tối qua. Ta phải nói là thật may vì con biết rõ phải làm gì. Bản thân ta sẽ chẳng biết phải làm gì, vì ta chưa bao giờ thấy một ca viêm tắc thanh quản nào. Còn bây giờ, đừng nói gì cho đến khi con ăn xong. Chỉ cần nhìn là ta biết con có rất nhiều chuyện để nói, nhưng cứ giữ lại đi."

Bà Marilla có chuyện phải nói với Anne nhưng bà không nói vì biết nếu nói ra thể nào cảm giác phấn khích dai dẳng cũng sẽ kéo Anne khỏi những vấn đề vật chất như sự thèm ăn hay chuyện ăn uống. Cho đến khi Anne ăn xong đĩa mứt mận xanh, bà mới nói:

"Bà Barry tới đây chiều nay, Anne. Bà ấy muốn gặp con, nhưng ta không đánh thức con dậy. Bà ấy nói con đã cứu sống Minnie May và bà ấy rất tiếc vì cách cư xử của mình trong vụ rượu phúc bồn tử. Bà ấy nói bà ấy biết con không cố tình chuốc say Diana và hy vọng con tha thứ cho bà ấy và lại làm bạn tốt của Diana. Nếu thích con có thể đến đó tối nay vì Diana không thể ra ngoài do bị cảm lạnh từ tối hôm qua. Nào, Anne Shirley, vì Chúa, đừng có bay lên mây đấy."

Cảnh báo có vẻ không thừa vì cứ trông Anne nhảy cẫng lên, khuôn mặt bừng lên ánh sáng rạng rỡ toát ra tự trong tâm thì rõ là con bé đang lâng lâng như trên mây.

"Ôi, bác Marilla, con có thể đi liền bây giờ... mà chưa rửa bát đĩa không? Con sẽ sẽ rửa khi nào quay về nhưng trong giây phút xúc động đến rùng mình này con không thể trói buộc mình với bất cứ thứ gì quá không lãng mạn như rửa bát đĩa."

"Được rồi, được rồi, đi đi," bà Marilla nói vẻ khoan dung. "Anne Shirley, con có điên không? Quay lại ngay và mặc cái gì vào. Mình cứ như nói với không khí vậy. Con bé đi chẳng có mũ khăn gì. Cứ nhìn cách nó băng qua vườn cây với mái tóc tung bay kìa. Thật là may phúc nếu nó không cảm nặng."

Anne băng qua khung cảnh đầy tuyết phủ tung tăng bước về nhà trong ánh chạng vạng mùa đông đỏ tía. Xa xa về hướng Tây Nam, một ngôi sao đêm nhấp nháy như viên ngọc trai mờ sáng trên bầu trời vàng nhạt và lâng lâng ánh hồng mở ra trên những khoảng không gian trắng lấp lánh và những thung lũng vân sam tối sẫm. Tiếng chuông xe trượt tuyết leng keng giữa những ngọn đồi tuyết phủ giống như tiếng chuông thần tiên tràn ngập không gian lạnh giá; nhưng thứ âm nhạc đó cũng không ngọt ngào hơn bài hát trong tim và trên môi Anne.

"Bác đang thấy trước mắt mình một người hoàn toàn hạnh phúc, bác Marilla," con bé thông báo. "Con hoàn toàn hạnh phúc, đúng vậy, mặc dù tóc con vẫn đỏ. Ngay bây giờ con không còn bận tâm đến mái tóc đỏ nữa. Bà Barry hôn con rồi khóc, nói rằng bà rất tiếc và bà không bao giờ có thể trả hết ơn con. Con thấy xấu hổ khủng khiếp, bác Marilla, nhưng con chỉ nói lịch sự hết mức, ‘Con không khó chịu gì với bà, bà Barry. Một lần nữa con đảm bảo với bà là con không cố tình chuốc say Diana và vì thế con sẽ phủ tấm màn quên lãng lên quá khứ.’ Đó là một cách nói rất trang nhã, phải không, bác Marilla? Con cảm thấy mình đang sưởi ấm trái tim bà Barry. Diana và con đã có một buổi chiều rất tuyệt. Diana hướng dẫn cho con một cách móc hoa văn mới mà bà dì ở Carmody đã dạy bạn ấy. Không ai ở Avonlea biết cách móc này trừ hai chúng con, và chúng con trân trọng thề rằng sẽ không bao giờ tiết lộ cho ai khác. Diana tặng con một tấm thiệp xinh xắn có in hình vòng hoa hồng và một đoạn thơ:

Nếu bạn yêu mình như mình yêu bạn

Không gì ngoài cái chết có thể chia lìa chúng ta

Và sự thật là như thế, bác Marilla. Con và Diana sẽ xin thầy Phillips cho chúng con lại được ngồi cạnh nhau, và Gertie Pye có thể ngồi với Minnie Andrews. Chúng con có bữa trà chiều thanh nhã. Bà Barry đem bộ tách sứ đẹp nhất ra, bác Marilla, cứ như con là khách quý vậy. Trước đây chưa ai dùng bộ trà đẹp nhất của họ để tiếp con. Chúng con ăn bánh trái cây, bánh trứng, bánh rán và hai loại mứt, bác Marilla à. Bà Barry mời con dùng trà và nói, ‘Ông nó, sao không đưa bánh cho Anne?’ Lớn lên hẳn phải tuyệt lắm, bác Marilla, vì chỉ cần được đối xử như người lớn đã là quá tuyệt rồi."

"Ta không biết nữa," Bà Marilla nói kèm theo tiếng thở dài.

"Dù sao đi nữa," Anne nói chắc chắn, " khi thành người lớn con sẽ luôn luôn nói chuyện với các bé gái giống như chúng cũng là người lớn và sẽ không bao giờ cười nếu chúng dùng những từ đao to búa lớn. Con biết được từ những kinh nghiệm đau thương của mình rằng như vậy sẽ làm tổn thương người khác. Sau giờ trà, Diana và con làm kẹo bơ cứng. Kẹo không được ngon lắm, chắc tại cả con lẫn Diana đều chưa làm qua bao giờ. Diana để con khuấy kẹo trong lúc bạn ấy phết bơ vào đĩa và con quên mất nên để nó cháy khét; rồi khi tụi con để nó trên bậc cửa cho nguội thì con mèo đi qua một cái đĩa và thế là phải bỏ. Nhưng làm kẹo thì cực kỳ vui. Khi con về, bà Barry bảo con cứ qua chơi lúc nào muốn còn Diana đứng bên cửa sổ gửi cho con những nụ hôn suốt đoạn đường đến đường Tình Nhân. Con đảm bảo với bác, bác Marilla, tối nay con sẽ thích cầu nguyện và sẽ nghĩ ra một lời cầu nguyện mới tinh đặc biệt để kỷ niệm dịp này."