Chương 27: Biên Thùy Một Cõi

Niên hiệu Trinh-phù thứ sáu đời vua Cao-tông triều Lý nước Đại-Việt,

bên Trung-nguyên là niên hiệu Thuần-hy thứ 8

đời Tống Hiếu-tông

(Tân-Sửu, DL. 1181).

Tới cửa Bắc, viên tá lĩnh chỉ huy thị vệ thấy Thủ-Huy, Đoan-Nghi, vội hô lớn :

- Thuộc hạ kính thỉnh công chúa điện hạ, và phò mã nhập thành.

Thủ-Huy đáp lễ rồi nói:

- Chúng ta về chịu tang phụ hoàng. Người vào báo cho triều đình biết.

Viên tá lĩnh rạp người xuống, rồi lên ngựa phi về hướng điện Càn-nguyên. Lát sau, Tô Hiến-Thành đi trước, rồi tới Ngô Nghĩa-Hòa, Phí Công-Tín, Lý Kính-Tu, Ngô Lý-Tín, Đỗ An-Di, Vũ Tán-Đường, Trần Trung-Tá, Bùi Kinh-An, Lưu Khánh- Bình... mũ cao, áo rộng cùng kéo ra đón. Tô Hiến-Thành hô lớn :

- Bọn thần tuân chỉ Chiêu-linh Thánh-cảm hoàng thái hậu (tức Hoàng-hậu), Chiêu-thiên Chí-lý hoàng thái hậu ( tức Thục-phi Đỗ Thụy-Châu) và Trinh-Phù hoàng đế ra thỉnh công chúa điện hạ cùng phò mã.

Thủ-Huy chỉ vào xe :

- Có cả Linh-khang Chiêu-đức thái hoàng thái phi cũng cùng về.

Tô Hiến-Thành lại cùng đám đại thần hành lễ với Linh-Khang thái hoàng thái phi.

Thấy các đại thần đều thủ lễ, Thủ-Huy nghĩ thầm :

- Họ dùng lễ tiếp ta, thì ta cũng phải dùng lễ đáp lại cho đúng đạo lý.

Công tháo thanh kiếm đeo ngang hông của mình cùng thanh kiếm của Đoan-Nghi, rồi gọi viên trưởng toán thị vệ gác điện Càn-Nguyên :

- Ta gửi người.

Viên trưởng toán thị vệ cung cung, kính kính tiếp kiếm.

Trên mặt các văn quan đều tỏ ra vẻ kính phục Thủ-Huy. Nguyên từ hồi thành lập triều Lý, chỉ có hai đại thần được đeo kiếm vào chầu, khi tâu không phải quỳ gối xưng tên. Mộtù là Khai-Quốc vương, con thứ nhì vua Lý Thái-tổ nhưng không bao giờ vương xử dụng đặc ân này cả. Người thứ nhì là Thủ-Huy, chưa bao giờ công mang kiếm vào chầu. Hôm nay cùng vợ về chịu tang, trong khi tân quân còn bế ngửa, các võ tướng thị vệ đều là thủ hạ cũ của công. Võ công của công lại cao nhất triều đình. Nếu bây giờ công đeo kiếm vào chầu, ắt các văn quan đều lo sợ. Vì vậy công tháo kiếm trao cho trưởng toán thị vệ, để yên lòng họ.

Linh-Khang thái hoàng thái phi đi trước, Thủ-Huy, Đoan-Nghi theo sau. Ba người vào trong điện Càn-nguyên, thì trên cao nhất là Chiêu-linh Thánh-cảm hoàng thái hậu, Chiêu-thiên Chí-lý hoàng thái hậu cho đến các phi tần đều rạp người xuống thềm điện :

- Bọn hạ thần kính cẩn ra mắt Thái-hoàng thái-phi.

- Miễn lễ.

Ghi chú của thuật giả:

Linh-Khang nguyên là Đức-phi của vua Thần-tông, nên vua Anh-tông phong là Thái-phi. Bây giờ Long-Trát lên ngôi thì bà trở thành Thái-hoàng thái phi. Còn hoàng-hậu, Thục-phi đã được phong làm thái-hậu, thì các bà phi trở thành thái- phi.

Linh-Khang tuyên chỉ :

- Già này về đây để chịu tang chung với trăm họ.

Linh-Khang thái hoàng thái phi là vai trên của vua Anh-tông, nên bà chỉ thắp hương trước bài vị nhà vua, mà không phải lễ. Lễ quan đem ghế mời bà ngồi.

Âm nhạc tấu lên. Thủ-Huy, Đoan-Nghi phục xuống trước tử quan phụ hoàng lễ, rồi lại hành lễ trước hai Thái-hậu, các bà Thái-phi của Anh-tông.

Tô Hiến-Thành cung tay trước Linh-Khang :

- Thần Thái-úy phụ-chính, bình-chương quân quốc trọng sự, Long-biên quốc-công kính bái Thái-hoàng thái-phi giá lâm. Bệ hạ giá lâm đúng lúc có việc nan giải. Vì triều đình đang gặp một sự khó, có thể đưa đến nội chiến, khiến đại cuộc tan nát hết. May có Thái-hoàng thái-phi về đây, xin bệ hạ phát lạc cho vụ này !

- Thái-sư cứ tâu.

Hiến-Thành chữa :

- Tâu Thái-hoàng thái-phi, thần không còn là Thái-sư từ lâu rồi. Năm trước đây, khi Đại-hành hoàng-đế ban chỉ lập Trinh-phù hoàng đế làm Thái-tử đã phong thần làm Thái-úy phụ-chính, Bình-chương quân-quốc trọng-sự. Còn Đỗ An-Di làm Thái-sư Đồng-bình-chương sự.

- À thì ra thế. Tô Thái-úy thân cầm trọng binh, lại phụ chính, thì mọi việc an nguy xã tắc đều do Thái-úy. Cớ sao Thái-úy lại tâu rằng xã tắc nguy nan ?

- Tâu nguyên do như thế này :

Hiến-Thành trình bầy:

- Mặc dù có chỉ dụ, nhưng từ hồi ấy đến giờ, Bảo-Quốc vương lấn quyền, không để phò mã Trần Thủ-Huy bàn giao chức vụ Thái-úy cho thần. Rồi hôm qua Bảo-Quốc vương tuyên chỉ cách chức Thái-úy, Trung-nghĩa thượng-tướng quân của Trần phò mã. Trần phò mã cắm kiếm rời khỏi điện Càn-nguyên. Hành động đó trái với quân luật, nên mới khiến cho xã tắc nguy như trứng trồng.

Đoan-Nghi bực mình :

- Thái-úy bảo phò mã hành sự sái quân luật. Thế cái sái luật ấy ra sao ?

- Khải công chúa. Theo quân luật, thì chỉ Hoàng-đế mới có quyền ban chỉ cách chức Thái-úy, võ quan tới cấp tướng quân. Hoàng-tử Long-Xưởng chỉ là Bảo-Quốc vương, thì không có quyền ấy. Thế mà người vi luật tuyên chỉ cách chức Thái- úy, Trung-nghĩa thượng tướng quân của Trần phò mã. Phò mã tuân theo, bỏ đi.

Đoan-Nghi biết rằng cái ông họ Tô này, cũng như đám nho thần già, họ rất lẩm cẩm trong những lễ nghi phiền tạp, nguyên tắc rắc rối, chứ họ không phải là người xấu. Khi phụ hoàng bị Vương Cương-Trung uy hiếp, bất đắc dĩ phải ban chỉ truất phế Long-Xưởng, lập Long-Trát, dù sau đó đã long trọng tuyên chỉ thu hồi quyết định ấy. Nhưng không ban hành bằng văn kiện , nên họ cứ khăng khăng giữ nguyên. Nàng hỏi :

- Được rồi, cứ tạm coi như việc anh Long-Xưởng cách chức phò mã là sái luật. Thế sao anh Long-Xưởng phong cho Đàm Dĩ-Mông giữ chức Tổng-lĩnh thị vệ, ngự- lâm quân, thì Thái-úy không nói gì ?

- Khải điện hạ, Tổng-lĩnh thị-vệ, ngự lâm quân vẫn là tướng quân Mạc Hiển- Tích.

Thấy nếu cứ để cho Tô Hiến-Thành bảo thủ chiếu chỉ tôn Long-Trát, còn Đoan- Nghi giữ cứng chỉ dụ miệng tôn Long-Xưởng, thì không giải quyết được vấn đề. Linh-Khang hỏi Tô :

- Thái-úy nói rằng Thái-úy được phong chức do chỉ dụ của Đại-hành hoàng đế, mà Trần phò mã không bàn giao, thì nay Trần phò mã bỏ đi, là dịp tốt cho Thái- úy nắm lấy quân lữ. Sao Thái-úy bảo xã tắc nguy như trứng trồng ?

- Tâu, luật đặt ra từ đời đức Thái-tổ, là khi bàn giao chức vụ Thái-úy, phải có sự hiện diện của chư tướng: Về thủy quân thì Đại-đô-đốc, phó Đại-đô-đốc, bốn đô-đốc chỉ huy bốn hạm đội. Về bộ binh thì tổng-lĩnh Thiên-tử binh cùng mười hai tướng chỉ huy mười hai hiệu. Tướng chỉ huy kị-binh, ngưu-binh. Nay Trần phò mã bỏ đi, mà trong triều thì có binh biến, ba vương cùng nhiều đại thần bị hại. Thủy-quân nghe tin đại đô-đốc là Kiến-Ninh vương bị hại, phó Đại đô-đốc Phùng Tá-Chu biến mất. Quân sĩ căm hờn, cho nên bốn đô đốc thủy quân cho bốn hạm đội phong tỏa hết các cửa biển, các sông lớn, nhổ neo ra khơi. Bộ binh được tin Kiến-Ninh vương, thống lĩnh Thiên-tử binh bị giết. Các tướng chỉ huy Thiên-tử binh, Kị-binh, Ngưu-binh cho quân chặn tất cả các đường giao thông, đóng cửa tất cả các thành. Họ lại ra lệnh cho hoàng nam các thôn xã trực thuộc làm tương tự. Thần nhân danh Thái-úy phụ chính ban lệnh cho họ. Họ không chịu nhận. Toàn quốc bị tê liệt tất cả mọi hoạt động. Không chừng Đại- Việt ta lại rối loạn như hồi Thập-nhị sứ quân. Bây giờ chỉ có Trần phò mã giải quyết được cái vạ to lớn này mà thôi.

Linh-Khang đưa mắt nhìn Thủ-Huy, Đoan-Nghi :

- Hai con tính sao ? Giữa hai bên căng như vậy thì nội chiến khó tránh.

Thủ-Huy xua tay :

- Thần nhi đã giải tán phủ Thái-úy, Trung-nghĩa thượng tướng quân, từ nay buông tay, không lý gì đến chính sự nữa.

Thái-phi Bùi Chiêu-Dương (mẹ Đoan-Nghi), nắm lấy tay Đoan-Nghi nói bằng giọng tha thiết, đầy nước mắt :

- Con ạ! Việc anh Long-Xưởng trở mặt với phái Đông-a trên con thuyền ở Hồ- Tây, đã mở đầu cho việc anh ấy bị truất phế. Việc anh ấy mượn tay Thái-hoàng thái hậu giết ba anh Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh ; xua đuổi Thủ-Huy, Tăng Khoa, ông bà Đào Duy với con là hành động tự cắt chân tay mình. Nên mới đưa đến việc bại vong. Ví dù anh Long-Xưởng có chiếm được ngôi vua, thì với hai chiếu chỉ của phụ hoàng con, thống mạ anh ấy bằng những lời nhục nhã nhất, hiện dân chúng người người đều tin như vậy ; hỏi anh ấy có thể cai trị dân không ? Các đô đốc, các tướng đều do Thủ-Huy đào tạo. Ai ai cũng biết rằng Thủ-Huy là ngôi sao thủ mệnh của anh Long-Xưởng. Thế mà chưa lên ngôi vua, anh ấy đã xua đuổi Thủ-Huy, Tăng Khoa, Đào Duy thì hỏi rằng còn ai trung thành với anh ấy nữa ? Hôm qua đây, sau khi con rời điện này, anh ấy bị áp chế, đã ký vào biểu tôn Long-Trát làm vua, thì không thể nào lên ngôi vua nữa. Bây giờ, mẹ đặt sự nghiệp Tiêu-sơn lên trên hết tình cảm riêng tư, mẹ khuyên con nên đứng ra trấn an các tướng để tránh nội chiến. Cũng để cứu Long-Xưởng.

Đoan-Nghi nhăn mặt :

- Mẫu thân dạy vậy, nhưng con e sự không giản dị. Bởi đất không hai mặt trời, nước không hai vua. Xưa nay, hai hoàng tử tranh ngôi vua, thì kẻ thắng lên làm vua, người bại phải chết. Vua Lê Đại-Hành được nhường ngôi, thì phải giết phế đế Đinh Toàn. Lê Long-Đĩnh tranh đươc ngôi vua, thì phải giết hết các anh, em. Nay Long-Trát lên ngôi vua, mà trong triều, ngoài nội không ai tuân phục, chắc chắn những người phò Long-Trát phải giết anh Long-Xưởng. Anh Long-Xưởng giết ba em, phụ ơn bọn con nhưng bọn con không nỡ nhìn anh ấy với vợ con chết thảm.

Hình-bộ thượng thư Trần Trung-Tá tiếp lời Đoan-Nghi :

- Công chúa luận đúng. Cái lý xưa nay là như vậy.

Thái-phi Bùi Chiêu-Dương lại nắm lấy tay Thủ-Huy :

- Khi còn tại thế, trong các hoàng tử, công chúa, phò mã, thì con được sủng ái nhất. Nay con có ghét các đại thần Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, có hận Long- Xưởng thì cũng nên nghĩ đến phụ hoàng, nghĩ đến ta, nghĩ đến Đoan-Nghi... Vậy thì thế này, hai con hãy nghĩ đến phụ hoàng, nghĩ đến ta mà tiếp tục cầm quân, cho đến khi Long-Trát trưởng thành. Con định sao ?

Ghi chú của thuật giả:

Sự kiện này, ĐVSKTT chép giản lược như sau :

Ất-Mùi (DL.1- 1178). Thiên-cảm Chí-bảo đệ nhị niên, Tống Thuần-hy đệ nhị niên. Mùa Xuân tháng Giêng, sách lập Long-Trát làm hoàng-thái tử ở Đông-cung. Phong Tô Hiến-Thành làm Nhập-nội kiểm hiệu thái phó, bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ Đông-cung.

Mùa Hạ, tháng tư, vua không khỏe, cố gượng sai Tô Hiến-Thành ẵmThái-tử mà quyền nhiếp chính sự.

Mùa Thu tháng bẩy, ngày Ất-Tỵ, vua băng ở điện Thụy-quang. Trước đó khi vua bệnh nặng, Hoàng-hậu lại xin lập Long-Xưởng. Vua nói : « Làm con bất hiếu còn trị dân sao được ». Di chiếu cho Tô Hiến-Thành phò tá Thái-tử, công việc xã tắc nhất nhất tuân theo phép cũ.

Bấy giờ Thái-hậu muốn làm chuyện phế lập, sợ Hiến-Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút lót cho vợ lẽ Hiến-Thành là Nữ-thị. Hiến-Thành nói : « Ta là cố mệnh đại thần, phò tá ấu quân, nay nhận hối lộ mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng ». Thái-hậu lại gọi Hiến-Thành đến đỗ trăm cách. Hiến-Thành trả lời : « Làm việc bất nghĩa mà được giầu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có làm. Huống chi lời của Tiên-đế còn bên tai. Bệ hạ lại không nghe việc Y-Doãn, Hoắc-Quang hay sao ? Thần không dám vâng chiếu ».

Thái-tử Long-Trát lên ngôi trước linh cữu, bấy giờ mới lên ba tuổi, tôn mẹ là Đỗ-thị làm Chiêu-thiên Chí-lý hoàng thái hậu. Cho Đỗ An-Di (anh trai hoàng thái hậu) làm Thái-sư đồng bình chương sự. Hiến-Thành làm Thái-úy.

Chỉ độc giả Anh-hùng Đông-a mới biết sự thực vụ này ra sao mà thôi.

Thủ-Huy nhìn thấy thanh kiếm lệnh của mình để trên bàn thờ phụ hoàng, công cầm lấy, rồi hướng vào các đại thần nói lớn :

- Theo như quan phụ chính Tô Hiến-Thành, thì cho đến lúc này tôi vẫn còn là Phụ-quốc Thái-úy phải không ? Bây giờ quan phụ chính muốn tôi ban lệnh gọi các tướng về để ủy lạo, rồi bàn giao phải không ?

- Đúng vậy.

- Quan phụ chính không sợ tôi ra lệnh cho các tướng làm loạn ư ?

Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di tái mặt, im lặng, chân tay run lẩy bẩy, hai hàm răng đánh vào nhau thành những tiếng lộp cộp. Duy Lý Kính-Tu thản nhiên :

- Phò mã thử cái khả năng biết người của lão phu hẳn ? Thưa phò mã, phò mã không phải là người ham cái bả công danh. Sở dĩ phò mã hiện diện tại triều, vì giữa đường gặp hoàng-tử Long-Xưởng bị nạn, ra tay nghĩa hiệp. Rồi việc nọ tiếp việc kia như giòng nước, mà không ngừng lại được. Hồi trên hồ Tây, Bảo-Quốc vương đã trở mặt với phái Đông-a, hôm qua lại giết ba vương, xua đuổi phò mã. Bây giờ phò mã có ra tay cứu vương, thì vương cũng trở mặt giết phò mã. Vì vậy, phò mã có gọi chư tướng về để bàn giao, bọn lão phu không sợ phò mã làm loạn. Vì làm loạn để giúp ai ? Cho ai ? Vì ai ? Được gì ? Vừa rồi Bùi thái phi đã ban chỉ, xin Thái-úy hãy vì xã-tắc mà tiếp tục cầm quân cho đến khi Hoàng- thượng trưởng thành, đích thân nhiếp chính.

- Đa tạ Thái-phó phân giải.

Công hỏi Đỗ An-Di :

- Hiện các người giam Bảo-Quốc vương ở đâu ? Giam vì tội gì ?

Trần Trung-Tá lấm lét nhìn thanh kiếm của Thủ-Huy rồi run run đáp :

- Thưa vì nhiều tội. Nhưng tội nặng nhất là mưu phản, soán ngôi, phải giết cả nhà. Tội này không được hưởng Bát-nghị.

- Thế ai ra lệnh bắt giam Bảo-Quốc vương ?

- Ba vị phụ chính đại thần cùng tâu lên Chiêu-thiên Chí-lý thái hậu. Thái hậu đồng ý.

Thủ-Huy cười nhạt :

- Hôm qua, Trần ngự-sử bò xuống đất như chó bò, tôn anh Long-Xưởng, những gì là Vô-thượng, Chí-tôn, Đại-thánh hoàng đế, rồi kết tội tôi đến 180 điều. Sau hôm nay lại kết tội anh Long-Xưởng đủ mọi tội dễ dàng như vậy ?

Trung-Tá đáp không suy nghĩ :

- Khi người nào làm chủ được gươm đao, thì bao nhiêu cái tốt, cái đẹp thuộc về người đó. Khi người nào bị gươm đao quản thúc thì bao nhiêu cái xấu, cái bẩn người đó phải lĩnh.

Thủ-Huy gật đầu :

- Được ! À thì ra thế.

Công sẽ vỗ vào vai Trung-Tá hai cái :

- Thế bây giờ, tôi có còn bị phạm 180 tội nữa không ?

Trung-Tá ngập ngừng không trả lời. Thình lình y run lên bần bật :

- Ái ! Lạnh quá ! Ái ! Ái !

- Bây giờ ai làm chủ gươm đao ?

- Thưa, trường hợp này thì phò mã là anh hùng, là trung thần. Phò mã không có tội gì cả.

Đỗ An-Di quát lên :

- Thị vệ đâu, ra tay đi thôi.

Y vừa dứt lời, thì thấp thoáng một cái, Thủ-Huy đã phóng hai chỉ vào huyệt Độc-tỷ của y. Y ngã xuống trước mặt công giống như quỳ vậy. Công lại phóng một chỉ nữa vào huyệt Hạ-quan, lập tức miệng y mở ra không được nữa.

Mạc Hiển-Tích hô lên một tiếng, đội thị vệ dàn ra trước cửa điện Càn-nguyên. Y ra lệnh cho họ xuông vào bắt Thủ-Huy.

Trưởng toán thị vệ lưỡng lự giây lát, rồi y tới trước mặt Thủ-Huy, khoanh tay :

- Thuộc hạ chờ lệnh phò-mã Thái-úy.

- Người hãy trấn các cửa cung này, không cho bất cứ ai ra, vào.

- Tuân lệnh Thái-úy.

Đám văn quan tuyệt không ngờ uy tín của Thủ-Huy lại mãnh liệt đến như vậy. Mạc Hiển-Tích ra ngoài điện gọi gia tướng của phủ Tô, Đỗ mang thân binh vây kín điện Càn-nguyên. Nhưng khi y định tràn vào, thì bị thị-vệ cản lại.

Thủ-Huy nghĩ thầm :

- Long-Xưởng phụ ta, chứ ta không phụ Long-Xưởng. Bây giờ tuy không thể đem ngôi vua về cho Long-Xưởng nữa, thì ít ra, ta cũng cứu mạng cho Long-Xưởng, Trang-Hòa với con cái của y. Trong tình thế này, ta không dùng võ e không xong.

Công xuyên bên Đông, lách bên Tây mấy cái, tất cả các quan thuộc phe đảng của Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di đã bị điểm huyệt hết. Trừ Lý Kính-Tu là nhà nho trung chính, công không đụng đến. Công đưa mắt cho vợ :

- Em kiềm chế tên Mạc Hiển-Tích cho anh.

Thấp thoáng bóng trắng, Đoan-Nghi đã xẹt ra cửa điện, nàng tung mình đến trước Mạc Hiển-Tích, tay rút kiếm đưa vào cổ y. Kinh hãi y lộn liền hai vòng để tránh kiếm, nhưng khi y vừa ngừng lại, đã bị Đoan-Nghi điểm huyệt. Bọn gia tướng Tô, Đỗ hò hét, định buông tên tấn công Đoan-Nghi, nhưng sợ trúng Mạc. Đoan-Nghi tung Mạc vào trong điện. Y rơi xuống trước mặt Thủ-Huy, rồi bóng trắng thấp thoáng, nàng đã vỗ tay vào vai bọn gia tướng Tô, Đỗ. Lập tức chúng rùng mình hét lên tỏ vẻ đau đớn cùng cực.

Đoan-Nghi ra lệnh :

- Các người muốn sống thì dàn thủ hạ quanh điện này, tuyệt đối theo lệnh ta.

Bọn gia tướng Tô, Đỗ run run, tuân lệnh răm rắp.

Thủ-Huy hỏi Lý Kính-Tu :

- Quan Thái-phó là nhà nho chính nhân quân tử. Xin quan Thái-phó dạy cho một lời.

Sắc mặt không đổi, Lý Kính-Tu bước ra cung tay :

- Thưa phò mã, xét theo nghĩa kinh Xuân-thu, thì việc Tô đại nhân, Đỗ đại nhân căn cứ vào việc đức Anh-tông ban chỉ truất phế Thái-tử Long-Xưởng, lập hoàng tử Long-Trát lên thay, mà phò Thái-tử lên ngôi vua, là hợp với luật lệ. Nhưng có điều hà tì, vì sau đó đức Anh-tông lại tuyên chỉ bỏ hai sắc chỉ kia, duy trì tình trạng cũ. Còn ba vương Kiến-Tĩnh, Kiến-An, Kiến-Ninh, với phò mã khuông phò Thái-tử Long-Xưởng vì căn cứ vào việc đức Anh-tông tuyên chỉ tái duy trì thái-tử Long-Xưởng ở ngôi Đông-cung thì hợp đạo lý. Nhưng có điểm hà tì, vì khẩu thiệt vô bằng. Xét về lý thì nhị vị Tô, Đỗ đúng hơn phò mã. Xét về tình thì phò mã đúng hơn. Nhưng thưa phò mã, việc quốc gia đại sự, thì phải dùng lý, chứ không thể dùng tình.

Thủ-Huy gật đầu :

- Thái-phó luận đúng.

- Bây giờ bàn chung, thì Thái-tử Long-Xưởng không thể lên ngôi bảo tộ được nữa, vì ba lý. Lý thứ nhất, khi cha mắng con, thì con không thể cãi . Đức Anh- tông ban chỉ thống mạ Thái-tử Long-Xưởng, chỉ đó đã truyền đến khắp các thôn, xóm... thì Thái-tử không còn đủ đức lên ngôi nữa. Lý thứ nhì, là hôm qua, chính Thái-tử đã ký vào chỉ tôn Thái-tử Long-Trát lên làm Trinh-phù hoàng đế rồi, thì người không thể hạ Trinh-phù hoàng đế xuống. Tôi hạ vua xuống thì là gian thần tặc tử. Lý thứ ba, là Thái-tử Long-Xưởng có Tam-vương, phò mã, công chúa khuông phò, thì lên ngôi, mới vững mạnh. Hôm qua Thái-tử xua đuổi phò mã, công chúa, cùng chư tướng, mà sau đó bị hạ bệ. Nếu nay người trở lại ngôi vua, thì ai là người khuông phò ? Ấy là không kể người sẽ giết hết các đại thần, kể cả phò mã, công chúa để trả hận.

Ông nhìn Đỗ An -Di :

- Còn như quan Thái-sư dùng gia tướng, gia binh hai phủ Tô, Đỗ rồi câu lưu Bảo-Quốc đại vương, cùng gia nhân vương phủ rồi hạ ngục là lấn quyền, là vi luật. Bởi xét về tình, về lý đều đáng kết tội. Hành động này là đi vào con đường của ác nhân Đỗ Anh-Vũ. Vì sao ? Xét về tình, thì người là Thái-sư đồng bình chương sự, vì muốn bảo vệ em gái là Chiêu-thiên Chí-lý thái-hậu, vơí cháu là Trinh-phù hoàng đế không ổn. Bởi khi phò mã Thái-úy rút quân đi, quan Phụ- chính Tô Hiến-Thành vào ngục cứu Thái-hậu, Hoàng-thượng ra, Bảo-Quốc vương đâu còn binh lực trong tay ? Còn như về lý, khi muốn câu lưu Bảo-Quốc vương, thì Tô đại nhân tâu với nhị vị thái-hậu, rồi lại họp tất cả phụ chính đại thần, ban chỉ giáng tước Bảo-Quốc đại vương xuống thành thứ dân, sau đó mới xử theo luật. Hành động đó của Thái-sư, coi như làm loạn. Trong khi Trần phò mã vẫn còn là Thái-úy. Phò mã điểm huyệt Thái-sư , là dẹp loạn, lại đúng luật.

Thủ-Huy xá Kính-Tu :

- Đa tạ Thái-phó đã nêu rõ đạo lý.

Công quay lại hỏi Linh-Khang thái hoàng thái phi :

- Thần nhi xin lắng tai nghe chỉ dụ của bệ hạ.

Linh-Khang ban chỉ :

- Cứ như già này nghĩ, hiện ấu-quân chưa quyết được việc nước. Hiện nay chư sự lớn nhỏ cần có bốn vị đại thần. Thiếu một vị, e không xong. Vị thứ nhất, thì Đại-hành hoàng đế đã ban chỉ phong cho Tô lão thần làm Thái-úy phụ-chính, Bình-chương quân quốc trọng sự, Đỗ quốc trượng làm Thái-sư đồng bình chương sự, Lý thượng thư làm Thái-phó. Thế nhưng nay, nếu không có Trần phò mã thì nước loạn. Vậy Trần phò mã phải dự vào hàng phụ chính để nước được yên. Ngặt vì trong quá khứ, giữa Trần phò mã với Tô, Đỗ có chỗ không thuận với nhau, thì làm sao bây giờ ? Già này nghĩ, ta trở lại như thời vua Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông trao việc trấn ngự biên cương cho phò mã công chúa, mà cử Đoan-Nghi với Thủ-Huy vào chức đó. Khác đôi chút là trước kia chức Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, Thủy-quân, Kị-binh, Ngưu-binh vẫn trực thuộc Thái-úy. Nay Tô Thái-úy bận việc phụ chính, thì các lực lượng này đặt trực thuộc Trần phò mã, để trấn ngự biên thùy. Vậy thì Tô Thái-úy hãy rời chức Thái-úy, để chức này cho Trần phò mã đảm trách. Tô Thái-úy là Phụ-chính đại thần cũng đủ rồi. Mỗi khi phải quyết một việc lớn thì cả Tứ-trụ triều đình phải hội ý với nhau, cho tới khi ấu quân tới tuổi mười ba là tuổi trưởng thành.

Bà ngừng lại một lát rồi tiếp :

- Ngay bây giờ, để có thể giải cái nguy chư tướng làm loạn, Tứ-trụ đại thần thay Trinh-Phù ban chỉ ân xá cho tất cả tội phạm trong nước, tuyệt đối không bao giờ truy cứu nữa. Như vậy Long-Xưởng cũng như những người phò tá Long- Xưởng mới yên tâm, mà phò mã cũng không cảm thấy hối hận rằng không cứu chúa cũ, không an bài cho thuộc hạ. Đỗ thái sư cũng được ân xá cái tội lạm quyền.

Chiêu-linh, Thánh-cảm hoàng thái hậu đặt vấn đề :

- Tâu Thái-hoàng thái phi, nếu như bây giờ Thủ-Huy buông tha cho mấy lão thần này, rồi sau họ trở mặt, kiếm cớ sát hại Long-Xưởng thì sao ?

Linh-Khang cười :

- Thái hậu đừng lo. Trước kia Cảm-Thánh, Anh-Vũ làm lộng, Minh-Đạo vương có thể giết được chúng mà không muốn. Tình thế bây giờ khác. Nếu như sau này, các vị Tô, Đỗ, Lý có kiếm cớ hại Long-Xưởng, Thủ-Huy, hay chư tướng, thì binh quyền nằm trong tay Thủ-Huy, liệu có ai dám làm lộng chăng ? Vả võ công Bảo- Quốc vương, vương phi đâu có hèn, mà để các văn thần hãm hại ? Hoặc giả khi Trinh-phù lớn lên, mà còn có người nói ra, nói vào để hại Long-Xưởng, thì liệu có thoát khỏi lưỡi kiếm của Đoan-Nghi vơí Thủ-Huy không ?

Lý Kính-Tu tiếp :

- Hôm qua, Tô, Đỗ đại nhân có bàn với thần rằng, phò mã, công chúa bỏ về Thiên-trường, mà vẫn duy trì hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn thì triều đình không an tâm. Vậy thì thế này : Phò-mã dẫn hai đội võ sĩ theo, một là trấn ngự biên cương ; hai là để đền ơn tri ngộ của Anh-tông đã sủng ái công chúa Đoan- Nghi, tin dùng phò mã. Như vậy thì triều đình được mới an tâm.

- Thủ-Huy ! Con nghĩ sao ?

Chiêu-linh Thánh-cảm hoàng thái hậu hỏi : Nếu con không ở lại, trấn ngư biên cương, giả như người ta kiếm cớ cách chức chư tướng, rồi hại họ thì sao ?

- Tâu Thái-hoàng thái phi ! Thần nhi xin cáo quan về điền dã. Thần nhi không muốn lăn mình vào chốn quan trường nữa.

- Không được !

Linh-Khang giảng giải :

- Nếu con rời quan trường, thì chư tướng không yên tâm. Mỗi người anh hùng một cõi e cái vạ sứ quân khó tránh. Con hãy nán lại, cho đến khi ấu quân trưởng thành.

Bà hỏi Tô, Đỗ, Lý :

- Các vị có nghe lời già này không ?

Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu cùng cúi đầu :

- Xin tuân chỉ thái-hoàng thái phi.

Hôm ấy là ngày mùng ba Tết. Tất cả các hạm đội đều kéo về căn cứ Đồn-sơn, để tế công chúa Gia-Hưng Trần Quốc, Đại-đô đốc thời Lĩnh-Nam. Việc này, thể theo theo thông lệ từ đời vua Trưng còn truyền lại. Phò-mã Tổng-trấn Bắc-cương cùng công chúa Đoan-Nghi từ Lạng-châu cũng dẫn chư tướng về tham dự.

Đại đô-đốc Phùng Tá-Chu, dẫn bốn đô đốc lên bờ, dàn ra đón rước phò-mã, công- chúa.

Sau buổi lễ, tất cả các tướng chỉ huy Thiên-tử binh, Ngưu-binh, Kỵ-binh, đô đốc Thủy-quân cùng tụ lại trên một chiến hạm, để dự tiệc. Tiệc tàn, phò mã Thái-úy đứng lên trình bầy tất cả tình hình trong triều :

Sau khi Linh-Khang thái hoàng thái phi hòa giải gữa Thủ-Huy với ba phụ chính đại thần Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu, thì Tứ-trụ triều đình được thành lập. Tứ-trụ nhân danh phụ chính, ban chỉ ân xá trên toàn quốc, bất kể phạm tội gì, thành án hay chưa thành án. Việc phân quyền định rõ :

- Đỗ Thái-hậu buông rèm thính chính.

- Tô Hiến-Thành, cùng Vũ Tán-Đường làm đệ nhất phụ chính, phụ trách ngoại sự, tức coi các bộ Hình, Hộ, Lại, Công. Dưới quyền có Trần Trung-Tá lĩnh bộ Hình ; Ngô Lý-Tín lĩnh bộ Hộ ; Ngô Nghĩa-Hòa lĩnh bộ Công; Bùi Kinh-An lĩnh bộ Lại.

Ba đệ nhị phụ chính là Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu, Trần Thủ-Huy, phân quyền như sau :

- Đỗ An-Di lĩnh hàm Thái-sư, đồng Bình-chương sự phụ trách nội sự (nộị cung), dưới quyền có Mạc Hiển-Tích lĩnh tổng-trấn Thăng-long; Đàm Dĩ-Mông coi cấm quân, thị vệ ; Đào Như-Yên tổng lĩnh cung nga, thái giám.

- Lý Kính-Tu lĩnh hàm Thái-phó, coi việc dạy dỗ ấu quân, kiêm luôn bộ Lễ, giữ quyền Ngự-sử.

- Trần Thủ-Huy lĩnh hàm Thái-úy, giữ quyền quân sự. Tổng trấn biên cương cả Bắc, Tây, Nam. Dưới quyền có Phí Công-Tín lĩnh bộ Binh ; Lưu Khánh-Bình quản Khu-mật viện ; Phùng Tá-Chu lĩnh quyền Đại-đô đốc ; Tăng Khoa lĩnh Kị binh, Ngưu binh.

Trong buổi thiết đại triều đầu tiên, có sự bất đồng ý kiến giữa các vị phụ chính. Phía Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di thì muốn gửi sứ sang Tống cáo tang, cầu phong cho tân quân. Phía Vũ Tán-Đường, Trần Thủ-Huy thì lại muốn gửi sứ cáo tang vơiù tất cả các nước Tống, Kim, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân-lạp, Mông-cổ, Đại- lý, Tây-hạ, Thổ-phồn, chứ không chỉ một mình Tống. Còn việc cầu phong thì không cần. Đại-Việt với Tống ngang với nhau, việc gì phải khuất thân làm tôi đòi. Lệ tiến cống cũng bỏ luôn. Phía Lý Kính-Tu thì trung dung, chỉ bỏ tiến cống, mà vẫn gửi sứ sang cầu phong.

Hai bên tranh luận hơn hai ngày mà không kết quả. Cuối cùng, thì Lý Kính-Tu nghiêng về phía Thủ-Huy. Vị Thái-phó này hiểu rõ Thủ-Huy hơn ai hết : Ví dù triều đình muốn gửi sứ sang cầu phong, tiến cống, rồi sứ Tống sang phong cho ấu quân cũng không thực hiện được. Bởi Thủ-Huy trị quân rất nghiêm, đương thời người ta nói : Một con chồn, con cáo băng qua biên giới, vị phò mã trẻ này cũng biết. Nay người đã không đồng ý, thì khi sứ Việt, sứ Tống qua biên giới, e khó mà toàn tính mạng.

Ghi chú của thuật giả:

Tôi đã khảo hết công trình của các nhà soạn cổ sử Việt, như Lê Văn-Hưu, Hồ Tông-Thốc, Trần Chu-Phổ, Ngô Sĩ-Liên, Phan Thanh Giản trong các bộ Đại-Việt sử ký, Việt-sử cương mục, Việt-chí, Đại-Việt sử ký toàn thư, Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục. Trung-hoa như Thoát-Thoát, Aâu Dương-Tu, Lý Đào trong các bộ Tống-sử, Tư-trị thông giám cương mục, Tục Tư-trị thông giám trường biên.Tôi thấy một điều bất thường trong bang giao Hoa-Việt : Thông thường khi vua Việt băng hà, thì triều đình gửi sứ sang cáo tang, cầu phong cho tân quân. Sau đó sứ Trung-quốc sang điếu tang, phong cho tân quân. Thế mà từ khi vua Anh-tông băng, vua Cao-tông lên thay vào năm Ất-Mùi đến năm Bính-Ngọ (1175-1186), mười năm dài, không thấy sách nào chép việc hai bên trao đổi sứ thần. Mãi tới năm 1186 ĐVSKTT chép :

Niên hiệu Trinh-phù thứ 11 (DL.1186 Bính-Ngọ), Tống Thuần-hy năm thứ 13.

Mùa Xuân tháng Giêng triều Tống phong cho vua làm An-Nam quốc vương, chế thư đại lược nói « Ngay bắt đầu đã phong cho tước ấp ở một nước yên vui, được theo lệ cha truyền, con nối. Lại ban sắc thực thụ tước vương, cần gì phải đợi thăng dần ».

Duy Tống-sử quyển 488 đá thêm một câu « Tước ấy đã được phong ngay năm Thuần- hy thứ tư (1177) ». Tôi nghĩ các sử thần triều Nguyên khi chép Tống sử, suy đoán, rồi ghi lấy lệ, chứ sư thực không có. Nếu đã phong năm 1177 tại sao năm 1186 lại phong nữa ! ! !

Chỉ độc giả Anh-hùng Đông-a mới biết sự thực về việc này mà thôi.

Trong nước dưới tài cai trị của Tô Hiến-Thành, dân chúng sống yên vui, no đủ. Ngoài biên thùy với tài quân sự của Thủ-Huy, Đoan-Nghi, Tống phải nể, Chiêm phải sợ. Tống triều ban chỉ cho các đại thần Nam-thùy phải hết sức tránh đụng chạm với An-Nam. Với đức của Lý Kính-Tu, học phong trong nước bừng lên một thời.

Nhưng chỉ được bốn năm. Niên hiệu trinh-Phù thứ tư tháng 6 mùa Hạ, thì Trung- nghĩa vương Tô Hiến-Thành hoăng. Khi Tô nằm trên dường bệnh Đỗ thái-hậu hỏi các vị đại thần rằng nên cử ai thay thế ? Lý Kính-Tu, Trần Thủ-Huy cùng hầu hết các quan tâu xin trao cho Vũ Tán-Đường. Vì Vũ là người trung chính, hiền hậu, lại có tài cai trị. Thái-hậu tới thăm Tô, hỏi rằng ai có thể thay thế. Tô tâu nên cho Trần Trung-Tá. Nhưng khi Tô hoăng rồi, Đỗ thái-hậu cử anh là Đỗ An-Di làm Thái-sư phụ chính, cho Trần Trung-Tá về hưu. Lại cử Mạc Hiển-Tích thay Di coi nội sự.

Từ khi Bảo-Quốc đại vương Long-Xưởng với gia thuộc được ân xá. Vương phải rời Đông-cung, dọn ra phủ đệ riêng ở huyện Gia-lâm. Lúc đầu mỗi tháng, trong các lần thiết đại triều thì Đỗ An-Di còn cho người thỉnh vương vào chầu. Dần dần, triều đình không liên lạc với vương nữa. Vương sống trong trang ấp như một phú gia. Trước kia, gia khách của vương có hàng nghìn, hàng vạn ; toàn những danh sĩ, cao tăng hoặc võ lâm cao thủ. Từ sau ngày vương trở mặt với phái Đông-a trên con thuyền ở hồ Tây, xua đuổi Thủ-Huy, Đoan-Nghi, Tăng Khoa, Đào Duy, Đào Như-Như rồi đưa đến bị hạ bệ... thì không còn ai muốn ra vào cửa nhà vương nữa. Thảng hoặc, có người nhớ tình cố cựu tới thăm vương, thì khi trở về bị Đỗ An-Di sai thị-vệ bắt giam, điều tra. Riết rồi vương sống cô độc trong phủ đệ.

Tuy vậy vương cũng bỏ tiền ra chiêu tập bọn vong mạng, bọn đầu trộm đuôi cướp làm gia tướng, thân binh. Vương luôn theo dõi tin tức của triều đình.

Tin từ nội cung đưa ra : Suốt bốn năm qua, lợi dụng chức vụ tổng-lĩnh cấm- quân, thị-vệ, Mạc Hiển-Tích vẫn âm thầm tư thông với Đỗ thái hậu. Hồi đầu y còn lẻn vào Hoàng-cung trong đêm. Nay Đỗ An-Di nắm quyền phụ chính, y được coi nội sự, thì y không còn kiêng nể ai nữa. Y công khai ngủ tại cung Chiêu-thiên, hống hách với cung nga, thái giám. Các quan trong triều sợ y, không ai dám nói gì cả. Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích nắm hết quyền hành. Trong triều thì các quan bất mãn, chán nản, bên ngoài dân chúng thì thầm, nguyền rủa Đỗ, Mạc là hai ác nhân như Đỗ Anh-Vũ xưa. Do vậy nhiều võ lâm, sĩ dân bất mãn, theo về với Bảo- Quốc vương. Mỗi khi một tin báo về việc Đỗ An-Di chuyên quyền, Mạc Hiển-Tích hống hách, thì vương nghiến răng nguyền rủa thề phải giết sạch bọn họ Đỗ, Mạc đoạt lại ngôi vua.

Niên hiệu Trinh-phù thứ 6 (DL.1181, Tân-Sửu), vào ngày tết Nguyên-đán, vương dẫn vương phi cùng các thế tử, quận chúa nhập Hoàng-thành chúc tết mẫu thân là Chiêu-linh Thánh-cảm hoàng thái hậu. Nhân dịp này, vương khóc lóc, than thở tình trạng Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích lạm quyền, hành xử như hoàng đế. Hai người này cô lập vương. Vì vậy vương xin thái-hậu giúp vương lên ngôi vua để tái lập uy quyền chính thống. Lúc đầu thái-hậu còn từ chối, sau vương năn nỉ mãi, hậu mới thuận.

Kế hoạch dự trù như sau : Nhân ngày lễ Thượng-nguyên (15 tháng Giêng), Đỗ An- Di, Mạc Hiển-Tích, phò Trinh-phù hoàng đế với Chiêu-thiên Chí-lý hoàng thái hậu về Cổ-pháp tế tiên đế. Vương hành động bằng bốn mặt trận. Mặt thứ nhất. Sai gia tướng, thân binh âm thầm đột nhập ẩn trong cung Chiêu-Linh. Thái-hậu ban chỉ gọi các đại thần vào Hoàng-thành ăn yến, rồi nhân đó tuyên chỉ phế Trinh-phù hoàng đế lúc này mới 6 tuổi xuống, lập Bảo-Quốc vương lên. Ai nghe theo thì được thăng chức tước. Ai chống thì đem giết ngay. Mặt thứ nhì, vương sai sứ lên Bắc-cương tuyên chỉ gọi Thủ-Huy, Đoan-Nghi mang ba hiệu Thiên-tử binh Ngự-long, Quảng-vũ, Quảng-thánh đóng gần Thăng-long, tiến về chiếm các cửa thành, lục bộ, các điện. Mặt thứ ba, gọi Tăng Khoa, đem thiết-kỵ về Cổ- pháp giết mẹ con Trinh-phù hoàng đế cùng Đỗ An-Di. Mặt thứ tư, vương ban chỉ cho Phùng Tá-Chu đem thủy-quân về phong tỏa các sông ngòi quanh Thăng-long. Bốn mặt cùng khởi sự vào đúng ngày rằm.

Khi sứ của vương tới bản doanh Tăng Khoa, Tá Chu. Hai người kinh hoảng, vội dẫn sứ lên Lạng-châu thỉnh lệnh Thủ-Huy. Thủ-Huy họp Đoan-Nghi, Tá-Chu, Tăng- Khoa lại, để cùng lấy quyết định.

Nghe Thủ-Huy trình bày, các võ tướng cùng trầm tư suy nghĩ.

Đào Như-Như bàn :

- Trinh-phù lên ngôi vua đã sáu năm. Trước Tô Hiến-Thành phụ chính, chúng ta cầm quân, mà khiến cho Chiêm sợ, Tống nể, trong nước không giặc cướp, dân chúng sống ấm no. Bây giờ chúng ta vì chút tình cũ mà làm chuyện phế lập khiến cho nước đang an thành loạn thì tội chúng ta phải chịu. Ta chẳng nên nghe theo Bảo-Quốc vương.

Tăng Khoa tiếp lời vợ :

- Trước kia, chúng ta kết huynh đệ với vương mong duy trì cái chí của tiền nhân. Thế mà sự mới sắp thành, vương đã trở mặt với chúng ta. Giá như hồi ấy, bọn Đỗ An-Di không hạ vương xuống , thì khi lên ngôi vương cũng đã giết chúng ta, để chạy tội. Giả như bây giờ, ta giúp vương thành công, thì chắc vương cũng giết chúng ta để nói với quốc dân rằng bọn ta thí chúa, chứ vương không có ý đó.

Đoan-Nghi đề nghị :

- Chúng ta truyền sứ giả trở về phục mệnh anh ấy rằng : Sự bất quá tam. Lần thứ nhất ta đem quân về khi bọn Vương Cương-Trung uy hiếp phụ hoàng, cầm tù anh ấy, kết quả anh ấy tha cho chúng. Lần thứ nhì, ta đem quân về khuông phò, đưa anh ấy lên ngôi. Khi sự vừa thành, thì anh ấy xua đuổi chúng ta, trọng đãi kẻ thù bao năm của anh ấy. Vì vậy võ lâm, kẻ sĩ trong nước đều bỏ anh ấy. Chúng ta ngu mà theo phò anh ấy bao năm, đem quân về giúp anh ấy hai lần. Bây giờ chúng ta không ngu lần thứ ba nữa. Xin anh ấy hãy sống yên phận.

- Thưa điện hạ !

Tá-Chu bàn : Việc không giản dị như vậy. Bảo-Quốc vương chuẩn bị việc này, trước sau gì cũng lộ ra. Việc lộ ra thì không những vương bị chặt đầu, mà tất cả gia nhân vương phủ cũng bị giết. Còn chúng ta, chúng ta biết âm mưu tạo phản mà không tố giác, thì cũng bị tội như chính phạm. Thần nghĩ, ta phải hành động cho quang minh lỗi lạc, mới cứu được vương, mới tự cứu được chúng ta.

- Ý Đại-đô đốc muốn nói ?

- Ta phải sai người khẩn báo cho phụ-chính đại thần Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu, Vũ Tán-Đường ; mà báo bằng thư, chứ không phải bằng lời ; về việc làm của Bảo- Quốc vương. Lại trói ba sứ giả lại, rồi giải thẳng về Cổ-pháp, chém đầu trong ngày tế tiên đế. Một mặt sai Tăng Khoa dàn Kị-binh bảo vệ lăng tẩm. Thần sẽ đem Thủy-quân dàn trên sông Hồng, bảo vệ Thăng-long. Dĩ nhiên sau đó nhị vị Thái-hậu với Tứ-trụ triều đình họp lại nghị tội vương . Vì ta hành sự quang minh, chính đạo, ta có thế mạnh, ta xin ân xá cho vương.

Thủ-Huy sai ba sứ giả lên đường liền. Một người đi Cổ-pháp tâu lên nhà vua. Một người về Thăng-long cáo với Vũ Tán-Đường, Phí Công-Tín, Ngô Lý-Tín biết, mà đề phòng. Một người báo cho Long-Xưởng biết để ngừng lại, bằng không e toàn gia sẽ bị tru lục.

Ghi chú của thuật giả:

Thế nhưng.

Hỡi ơi...nhưng.

Huyền sử kể rằng : Viên sứ giả có bổn phận báo cho Long-Xưởng biết rằng Thủ- Huy cũng như chư tướng không theo vương ; khi trên đường về Gia-lâm, ngựa của y vấp ngã, quật y xuống đất, đầu va vào tảng đá mà chết. Thành ra , thư của Đoan-Nghi gửi không tới tay vương. Trong khi quân do thám của Long-Xưởng thấy Thủy-quân, Kị-binh, Thiên-tử binh tiến về Thăng-long; báo cho vương. Tưởng Thủ-Huy theo mình, vương mừng run lên, truyền lệnh gia tướng, thân binh, âm thầm mang vũ khí vào Hoàng-thành sáng sớm ngày rằm tháng giêng, và khởi sự chiếm các cung điện vào giờ Thìn.

Đúng là thời đã đi qua, anh hùng ôm hận.

Giờ Dần, sáng rằm tháng giêng, Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu, Mạc Hiển-Tích cùng đoàn cấm quân hơn năm trăm người, hai trăm thị vệ, hộ giá Đỗ thái hậu, Trinh-phù hoàng đế về Cổ-pháp để tế các vị tiên đế. Trong chuyến đi này còn có cả Kiến- Khang vương Long-Ích, Kiến-Bình vương Long-Tường. Sang giờ Thìn, đoàn xa giá đi vào địa phận Cổ-pháp. Xa xa đã thấy lăng tẩm hiện ra.

Thình lình, một kỵ mã phi như bay đuổi theo. Y xưng là gia tướng của Thái-sư Đỗ An-Di, xin gặp Thái-sư để báo một tin hỏa tốc.

Vừa thấy y, Đỗ An-Di đã nhận ra : Y có tên Đỗ Du, nguyên là một tên cướp, bị bắt, đáng lẽ y bị xử tử. Di thấy y cùng họ, tha cho y, rồi sai tiềm ẩn làm gia tướng cho Bảo-Quốc vương. Đỗ Du thở dốc, tỏ ra vừa trải qua một cuộc phi ngựa khẩn cấp :

- Thưa Thái-sư, Bảo-Quốc vương làm loạn. Gia tướng, gia binh của vương chiếm các điện trong Hoàng-thành. Ba hiệu binh Ngự-long, Quảng-vũ, Quảng-thánh đang tiến vào Kinh-thành. Thủy-quân dàn ra phong tỏa hết các sông. Còn Kị-binh chia làm hai cánh. Một cánh bao vây lăng tẩm Cổ-pháp. Một cánh đang đuổi theo xa giá. Chúng được lệnh giết Thái-hậu, Hoàng-thượng và Thái-sư tại lăng tẩm.

Du vừa dứt lời thì viên đô thống chỉ huy cấm quân báo :

- Thưa Thái-sư, phía trước Kị-binh dàn ra hai bên đường và trấn quanh lăng tẩm. Không rõ ý định.

Đỗ An-Di ra lệnh cho Mạc Hiển-Tích :

- Người thử lên xem xét tình hình, rồi đối phó.

Đến đó có tiếng ngựa hí, quân reo. An-Di nhìn về phía sau, y phát rùng mình : Kị binh cờ xí nghiêm chỉnh, đang rầm rập đuổi theo, tiếng vó ngựa gõ lốp cốp trên đường. Trống thúc vang dậy. Y thất kinh hồn vía, vì cho rằng Thủ-Huy, Tăng Khoa theo Long-Xưởng làm loạn. Y bàn với Đỗ Thái-hậu, Lý Kính-Tu rằng :

- Chúng ta chỉ có hai trăm thị vệ, năm trăm cấm quân, thì chống sao nổi với hiệu Kị-binh Phù-Đổng hơn vạn người ? Chi bằng chúng ta đầu hàng Long-Xưởng, rồi xin được tha mạng là hơn. Còn Long-Trát, Long-Xưởng ai làm vua thì cũng là con của tiên đế. Anh em họ giết nhau, ta đứng ngoài hưởng lợi, tội gì mà chết cho đứa con nít.

Trinh-phù hoàng đế tuy mới mười tuổi, nhưng được Lý Kính-Tu dạy rất cẩn thận, nên đã có phong độ của một người lớn. Nhà vua đưa mắt nhìn Đỗ An-Di :

- Thái-sư là cậu cũa trẫm, lại là cố mệnh đại thần, nhận di chiếu của tiên đế, để phụ chính. Thế mà bây giờ trẫm gặp nguy nan, Thái-sư lại muốn trao trẫm cho giặc ư ?

Lý Kính-Tu cầm lấy cương ngựa cho nhà vua, rồi nói bằng giọng cương quyết :

- Thái-sư đầu hàng thì cứ đầu hàng. Lão phu tuy trói gà không chặt, nhưng quyết bảo vệ chúa thượng tới hơi thở cuối cùng. Vả theo lão phu, thì Bảo-Quốc vương có thể gây loạn, chứ phò mã Trần Thủ-Huy thì quyết không làm việc đó.

Từ hồi vua Anh-tông băng, thì Kiến-Khang vương Long-Ích, Kiến-Bình vương Long- Tường được gửi lên Bắc-cương cho Đoan-Nghi dạy văn, Thủ-Huy dạy võ. Hai vương mới rời Bắc-cương hôm hai mươi ba tháng chạp, về Thăng-long chúc tết đích mẫu là Chiêu-Linh thái hậu, với sinh mẫu là Lê thái phi. Kiến-Khang vương tuy tuổi mới mười lăm, nhưng võ công, kiến thức thực phi thường. Vương nhìn Đỗ An-Di bằng con mắt khinh bỉ, rồi nói với Kính-Tu :

- Xin thầy bảo vệ Long-Trát, để con lo liệu mọi việc.

Đội Kị-binh đã đuổi kịp đoàn hộ vệ. Đỗ Thái-hậu, Đỗ An-Di nhìn nhau, nước mắt chan hòa :

- Hôm nay thì anh em chúng ta không hy vọng sống sót nữa rồi.

Còn Mạc Hiển-Tích, y sợ qúa chui xuống gầm xe Thái hậu, chân tay run lẩy bẩy.

Kiến-Khang vương nắm tay y lôi ra :

- Tước người tới hầu, hàm tới Thiếu-sư, lại lĩnh tổng quản cấm quân, thị vệ mà hèn vậy sao ? Nhược bằng Kị binh làm phản, thì người chui dưới đó, chúng có để người yên không ?

Vương tế ngựa lên trước ngựa nhà vua, tay để vào đốc kiếm, rồi nói với Lý Kính-Tu :

- Tước của con tuy tới vương, nhưng lại không có chức gì. Thầy là Thái-phó. Xin thầy đối đáp với viên chỉ huy Kị-binh.

Sắc mặt thản nhiên, Lý Kính-Tu ra lệnh cho viên đô thống chỉ huy thị vệ không được chống trả. Oâng lên tiếng :

- Là binh đội nào ? Ai sai các người đến đây ?

Viên đô-thống phất tay ra lệnh cho Kị-binh ngừng lại rồi nói lớn :

- Vị nào là Đỗ Thái-sư đồng bình chương sự ? Vị nào là Lý Thái-phó ?

Đang núp sau xe thái-hậu, Đỗ An-Di run lập cập bước ra :

- Tôi...Tôi xin đầu hàng. Tôi xin thề trước thần linh, kể từ nay, tôi nguyện tôn Bảo-Quốc đại vương làm Vô-thượng, Chí-tôn, Đại-thánh hoàng đế.

Nhưng y nói không ra hơi, chỉ mấy cung nữ, thái giám đứng gần nghe thấy mà thôi .

Lý Kính-Tu hỏi :

- Ta là Thái-phó Lý Kính-Tu đây. Đô thống muốn gặp ta có việc gì ?

Viên đô thống xuống ngựa, cung tay :

- Tiểu nhân giáp trụ trên người không hành đại lễ được, xin Thái-phó khoan dung. Vì có âm mưu tạo phản, Vũ-kị thượng-tướng quân lệnh cho tiểu nhân đem quân đặt dưới quyền điều động của Thái-phó để hộ giá.

- Ai tạo phản ? Các người có được lệnh của Trần phò mã không ?

Hàng quân rẽ ra, một văn quan xuống ngựa cung tay hành lễ :

- Thần Lê Kim, lĩnh trưởng-sử tòa tổng-trấn Bắc-cương, tuân chỉ Trung-nghĩa thượng tướng quân, kính đệ lên Thái-phó một mật thư.

Lý Kính-Tu đáp lễ, rồi tiếp thư. Đọc xong, ông tâu với nhà vua :

- Tâu bệ hạ. Quả có việc tạo phản. Bảo-Quốc vương sai sứ lên Bắc-cương xin Trần phò mã, Phùng đại đô đốc, Tăng Vũ-kị cùng đem quân về chiếm Thăng-long giết các đại thần, vây Cổ-pháp. Trần Thái-úy, Phùng đại đô đốc, Tăng Vũ-kị quyết giữ lòng trung, đã bắt sứ giả giải đến đây để bệ hạ phát lạc. Còn Kị- binh dàn ra, không phải làm phản mà để hộ giá.

Đỗ An-Di nghe Kính-Tu tâu, bao nhiêu sợ hãi biến mất. Y hất hàm làm oai hỏi Lê Kim:

- Lê trưởng-sử ! Thế Trần phò mã hiện ở đâu ?

- Người với công chúa đang có mặt tại Thăng-long để dẹp loạn.

- Theo trong thư, Lê trưởng sử có giải ba sứ giả của Bảo-Quốc vương theo. Vậy ba sứ giả đâu ?

Lê Kim chỉ vào chiếc xe đóng kín ở phía sau :

- Thưa, họ bị giam ở trong tù xa kia.

An-Di ra lệnh cho viên đô-thống :

- Người hãy dẫn Kị-binh theo sau xa giá. Giải tù xa về Cổ-pháp.

Bấy giờ Mạc Hiển-Tích mới chui ra khỏi gầm xe.

Tại Thăng-long, Vũ Tán-Đường nhận được thư của Thủ-Huy, lập tức ông ra lệnh cho Đàm Dĩ-Mông dàn cấm quân, thị-vệ bảo vệ Hoàng-thành, không báo cho các đại thần biết. Nhưng Mông sợ quá, bỏ trốn, thành ra cấm quân, thị vệ không người chỉ huy, cửa thành mở rộng. Tuy vậy Tán-Đường cũng cứ để cho các quan thản nhiên vào cung Chiêu-linh dự yến do Thái-hậu ban. Vốn tính cẩn thận, tuy ông tin vào sự ngay thẳng của Thủ-Huy, Đoan-Nghi, nhưng muốn được yên tâm, ông rủ một vị đại thần thân tín của Thủ-Huy là Tham-tri bộ Lễ Đào Duy, đi cùng xe. Đào Duy là thầy dạy âm nhạc của Tán-Đường lẫn Tá-Chu. Khi xe sắp vào đến cổng thành, thì Khu-mật viện báo cho biết :

- Hạm đội Âu-Cơ dàn ra trên sông Hồng, phong tỏa tất cả các cửa sông lớn nhỏ, không cho bất cứ thuyền bè nào đi lại. Ba hiệu Thiên-tử binh Ngự-long, Quảng- thánh, Quảng-vũ tiến về đóng ngoài các cửa thành. Hỏi các tướng, thì họ cho biết có âm mưu tạo phản, nên phò mã Thái-úy sai dàn ra bảo vệ kinh thành. Quan tổng trấn Thăng-long Đàm Dĩ-Mông trốn mất. Thị vệ, cấm quân không người chỉ huy. Các đại thần Ngô Nghĩa-Hòa, Ngô Lý-Tín trốn mất rồi.

Tán-Đường thúc xe vào thành càng mau. Xe sắp tới Hoàng-thành, thì Khu-mật viện lại cáo :

- Chim ưng báo cho biết, hiệu binh Phù-Đổng đã dàn ra bảo vệ lăng tẩm, lộ trình xa giá của Hoàng-thượng. Thái-phó Lý Kính-Tu truyền chém đầu ba sứ giả của Bảo-Quốc vương để tế tiên đế.

Đào Duy hỏi :

- Phò mã sai ai chỉ huy thủy, bộ phòng vệ Thăng-long ?

- Là đại đô đốc Phùng Tá-Chu.

Nghe nói đến Tá-Chu, Vũ Tán-Đường yên tâm. Bởi tuy tuổi tác, quan giai cách biệt nhau, nhưng giữa Tán-Đường, Tá-Chu là bạn tri âm. Tá-Chu thích thổi tiêu, trong khi Tán-Đường lại giỏi về đàn. Hai người cùng học với Đào Duy, rồi cả ba thường hợp tấu với nhau.

Xe tới cung Chiêu-Linh. Một cung nga ra cung tay :

- Thái-hậu thỉnh đại nhân !

Ả nói nhỏ :

- Các quan tề tựu đông đủ, chỉ còn thiếu nhị vị mà thôi.

Lễ nghi tất.

Chiêu-linh Thánh-cảm thái hậu hướng các quan :

- Nhân dịp đầu năm, cô phụ được các trấn dâng lên một số thời trân. Nghĩ công khuông phò xã tắc của các vị. Cô phụ sai ngự trù làm yến, mời các vị cùng hưởng.

Vũ Tán-Đường thay mặt các quan dâng lên Thái-hậu lời cảm tạ. Tiệc được nửa chừng, tổng thái giám cung Chiêu-Linh ra hiệu cho các quan im lặng, rồi Thái- hậu ban chỉ :

- Tiên đế băng hà đã bảy năm. Trong bẩy năm qua, ấu quân không quyết được việc gì cả. Quyền hành đều nằm trong tay gian thần Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích. Cái tên Hiển-Tích này công khai tư thông với Đỗ Thụy-Châu, làm ô uế cung thất. Thành ra, trên danh nghĩa thì Long-Trát làm vua, chứ thực ra thì Đỗ, Mạc. Các quan đều là người của tiên đế, nhiều vị tìm đến cô phụ tố giác hành vi lạm quyền, vô pháp, vô thiên của hai ác nhân. Vậy các quan nghĩ sao ?

Các đại thần ngơ ngác nhìn nhau, im lặng. Duy thượng thư Binh-bộ Phí Công-Tín tâu :

- Tâu bệ hạ ! Tuy An-Di, Hiển-Tích lạm quyền, có hành vi cẩu trệ (chó lợn) thực, song thần thấy bên trong còn có Thái-phó Lý Kính-Tu cầm cương lễ nghi, ngồi ghế đế sư, ngoài biên cương còn có công-chúa Đoan-Nghi, cùng phò mã Thái- úy Trần Thủ-Huy giữ binh quyền. Xã tắc chưa đến nỗi nào.

Thái-hậu xua tay :

- Dĩ nhiên là vậy ! Cô phụ nghĩ thế này.

Thái-hậu nhấn mạnh :

- Tại sao các vị không tôn Bảo-Quốc vương lên ngôi ? Có một hoàng đế văn võ toàn tài, trí tuệ vô song, lại trên ba chục tuổi thì mới hy vọng tái kiến thiết lại sự nghiệp của chư vị tiên đế.

Vũ Tán-Đường chắp tay :

- An-Di, Hiển-Tích tuy có tội, nhưng Hoàng-thượng không có tội gì, bọn thần không thể tuân chỉ bệ hạ mà truất phế Hoàng-thượng. Năm nay Hoàng-thượng đã mười tuổi. Chỉ còn ba năm nữa là trưởng thành, bấy giờ người sẽ thân chính. Còn việc triều chính, như Binh-bộ thượng thư tâu, vẫn còn Thái-phó Lý Kính-Tu ở trong. Ngoài còn Thái-úy Trần Thủ-Huy. Chính sự chưa có gì tồi tệ. Vì vậy thần không thể tuân chỉ bệ hạ.

Thái-hậu hỏi các quan :

- Đây là ý của quan phó Tể-tướng. Vậy các khanh nghĩ sao ?

Các quan chưa kịp ứng lời, thì Bảo-Quốc vương từ trong bước ra. Các quan cùng đứng dậy cung tay hành lễ.

- Mấy năm trước, vì không muốn sát hại các đại thần khi vừa lên ngôi, nên trẫm đã ban chỉ tha tội cho bọn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích. Vì đại nghĩa, vì tỏ lòng nhân, trẫm thẳng tay cách chức Trần Thủ-Huy, về tội y lạm quyền, đã sát hại 18 đại thần. Trẫm cũng đuổi Tăng Khoa, vì vợ y giam Đỗ sủng phi của tiên đế cùng hoàng đệ Long-Trát. Không ngờ sau đó, trẫm bị bọn Tô, Đỗ, Mạc phạm giá, giam trẫm cùng Hoàng-hậu, các hoàng tử, công chúa, rồi lập ấu quân lên.

Vương rút kiếm cắm xuống chiếc bàn trước mặt :

- Suốt sáu năm qua, trong cung thì Đỗ thị gian dâm với Mạc Hiển-Tích, để y hành xử như một hoàng đế. Bên ngoài thì anh thị là Đỗ An-Di mặc quyền thao túng. Than ôi ! Đất nước này là đất nước của mấy nghìn năm tổ tiên để lại. Sự nghiệp này là sự nghiệp của sáu vị tiên đế. Trẫm cũng như các khanh, không thể buông tay ngồi nhìn bọn chồn cáo phá nát. Sáng nay, trẫm đã ban chỉ cho Vũ-kị thượng-tướng quân xử tử Long-Trát, Đỗ Thụy-Châu, Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích, Lý Kính-Tu trước lăng tẩm các tiên đế. Giờ này Tăng Vũ-kị đang mang đầu bọn quốc phạm tế cáo ở lăng tẩm.

Vũ Tán-Đường đứng lên nói lớn :

- Khải vương gia ! Suốt bao năm qua, thần từng cùng ba vương Kiến-Ninh, Kiến- An, Kiến-Tĩnh, công chúa Đoan-Nghi, phò mã Trần Thủ-Huy, Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa, Long-nhương thượng tướng quân Lưu Khánh-Bình, đại đô đốc Phùng Tá-Chu, cũng như hầu hết các quan văn võ, từng rạp mình trước vương gia để khuông phò vương gia, chỉ vì cái chí của vương gia. Thế nhưng khi vương gia vừa bước chân vào ngưỡng cửa của thành công, lập tức vương gia trở mặt với những người dầy công hãn mã, mà trọng đãi kẻ thù của mình. Vương gia ơi ! Tiên đế ban chỉ thống mạ vương gia bằng những lời ô nhục nhất, sĩ dân trong nươc đều biết. Vương gia chỉ còn lại những chân tay thân tín, thế mà vương gia tự cắt đi, cho nên vương gia mới bị làm nhục.

Vũ nói lớn :

- Thưa vương gia, con người ta không ai tránh được cái thiên-mệnh. Khi vương gia xua đuổi chân tay mình, thì đúng là lúc cái mệnh đế vương trong vương gia bay mất. Nếu trong hơn mười năm, mệnh đế vương đã phi ngựa mở đường cho vương gia, thì nay ma đưa lối, quỷ đưa đường cho vương gia. Vương gia cùng toàn gia sắp bị tru lục, vương gia có biết không ?

Bảo-Quốc vương không ngờ người từng hỗ trợ mình suốt bao năm bay giờ lại bỏ mình, hơn nữa nói lời cay đắng với mình. Vương cố gắng phủ dụ :

- Vũ phụ chính nói sao lạ tai quá. Trẫm đường đường, chính chính họp đại thần, lập chính thống, mà người dám bảo là ma đưa lối, quỷ đưa đường ư ?

Vũ Tán-Đường vẫn sang sảng :

- Thưa vương gia ! Ba sứ giả của vương gia sai lên gặp Trần phò mã, Phùng đại đô đốc, Tăng Vũ-kị để gọi chư vị ấy kéo quân về cùng tạo phản. Nhưng cả ba cùng hội nhau rồi trả lời vương gia rằng : Tục ngữ có câu, phàm sự không quá ba lần. Các vị ấy đã ngu trong hai lần kéo quân về cứu vương gia, để rồi bị vương gia định giết chết, để tạ lòng kẻ thù của vương gia. Bây giờ các vị ấy không ngu nữa. Một mặt ba vị ấy truyền bắt giam ba sứ giả của vương gia giải lên Cổ-pháp trao cho Lý Thái-phó phát lạc. Một mặt ba vị ấy kéo quân về Thăng- long để phòng phiến loạn.

Mặt tái xanh, vương-phi Trang-Hòa hỏi :

- Có chuyện ấy ư ?

- Vương phi không tin ư ? Trần phò mã đã truyền lệnh cho Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa đem Kị-binh dàn ra từ Bắc-ngạn tới Cổ-pháp để đề phòng kẻ gian phạm giá. Lại ra lệnh cho Đại-đô đốc Phùng Tá-Chu dàn hai hạm đội quanh Thăng- long, rồi đích thân người điều động ba hiệu Thiên-tử binh kéo về đóng quanh Kinh-thành. Trước khi vào dự yến, lão phu được Khu-mật viện báo cho biết : Lý Thái-phó đã chém ba sứ giả của vương gia gửi lên Bắc-cương. Phùng đại đô đốc dàn Thủy-quân bảo vệ Thăng-long. Hiện phủ Bảo-Quốc đã bị phong tỏa.

Long-Xưởng vẫn chưa biết cái nguy, vương vỗ vai Tán-Đường :

- Vũ phụ chính là nhà nho, sao lại nói láo như thế ?

Tán-Đường móc trong bọc ra tờ thư của Thủ-Huy đọc lớn lên cho mọi người nghe, rồi trao thư đó cho quan thượng thư Bùi Kinh-An. Kinh-An liếc qua, ông nói với vương phi Trang-Hòa :

- Đúng là thư của Trần phò mã. Hỡi ơi ! Vợ chồng con hành sự vô thiên, vô pháp ; giấu cả bố. Bây bây giờ hóa ra người gặp đường cùng.

Mặt Long-Xưởng tái như gà cắt tiết, vương nghĩ thầm :

- Sự đã đến thế này thì ta cứ ép các quan ký vào biểu, rồi ta lên ngôi vua. Lát nữa đối diện với Thủ-Huy, Tá-Chu, liệu hai đứa nó dám chống ta chăng ?

Vương chỉ ra ngoài :

- Thư giả ! Nói láo ! Kìa ! Võ sĩ đã bao vây khắp Hoàng-thành. Đại đô đốc Phùng Tá-Chu dàn bốn hạm đội trên sông ! Phò-mã Thái-úy đem Thiên-tử binh về đóng chật trong thành. Dinh thự, phủ-bộ của bọn gian thần đã bị vây kín.

Các quan nhìn ra, thì quả gia tướng, thân binh phủ Bảo-Quốc gươm đao sáng choang, bao vây ngoài cung.

Bảo-Quốc vương tiếp :

- Vậy, biểu tôn trẫm lên ngôi đã soạn. Chư khanh hãy ký vào, rồi chúa tôi ngày đêm hưởng phú quý. Các khanh muốn quyền cao, chức trọng, trẫm ban cho. Các khanh muốn vàng bạc, châu báu, trẫm không tiếc.

Viên trưởng sử phủ Bảo-Quốc cầm tờ biểu đưa đến trước các quan. Đầu tiên là các cấp thị lang, tham tri. Hầu hết họ đều ký vào. Khi đến trước mặt tổng thái giám Đỗ Viện, y không ký, mà chỉ vào mặt Long-Xưởng nói lớn :

- Con ong, cái kiến còn biết trung thành, không giết chúa. Con chó dù bị đánh đập thế nào cũng không cắn lại chủ. Loài rắn rết cũng không nỡ phun nọc anh em. Người từng ký vào tờ biểu tôn em lên làm vua, rồi bây giờ giết đi... Thì người không bằng con ong cái kiến, thua loài chó, ác hơn rắn rết. Ta không tôn người làm vua.

Nói rồi y xông lên mà tát Long-Xưởng. Y không biết võ, chỉ đấm đá lung tung. Long-Xưởng túm y ném ra sân. Đỗ Viện ôm mặt khóc hu hu, ngoác mồm ra chửi :

- Hỡi ơi ! Tiên đế quả thực minh mẫn, khi ban chỉ thống mạ mi là tham dâm, hiếu sắc, là con bất hiếu, tôi bất trung.

Long-Xưởng ra lệnh cho võ sĩ :

- Cắt lưỡi nó.

Võ sĩ đè Đỗ Viện ra cắt lưỡi. Tuy đau đớn cùng cực nhưng Viện nhặt đá ở sân ném Long-Xưởng. Long-Xưởng bắt lấy hai viên đá ném vào người Viện. Một viên trúng giữa mắt. Con ngươi lòi ra. Một viên trúng giữa miệng, chui tọt vào trong. Viện ngã xuống, lăn lộn ở sân.

Thế là các quan đành cúi đầu ký. Khi đến lượt quan Tham-tri bộ Lễ Đào Duy, vợ là Như-Yên, thì cả hai đều lắc đầu từ chối .

Long-Xưởng vạn vạn lần không ngờ rằng một cố cựu từng phò tá, hy sinh cho mình từ thời mình còn thơ ấu, bây giờ lại không còn trung thành với mình nữa. Vương hỏi Như-Yên :

- Phu nhân ! Từ một người ca hát ven sông, nhờ đâu mà phu nhân trở thành đệ nhất nhạc quan triều đình ? Rồi tổng quản cung nga, thái giám ?

Như-Yên nhìn chồng, không trả lời. Long-Xưởng lại hỏi Đào Duy :

- Đào tham tri ! Người chẳng từng là cố tri của trẫm ư ? Chỉ lát nữa đây, trẫm sẽ phong tước công cho người ! Người biết chứ ? Tại sao người không ký vào ?

- Khải điện hạ :

Đào Duy phân giải : Mười mấy năm trước, tuân lệnh sư phụ, thần theo giúp điện hạ để giải nạn nước do bọn gian tế Tống gây ra. Sau đó vợ chồng thần, cùng con gái phò tá điện hạ với cái chí đòi lại cố thổ của vua Hùng, vua