Chương 19: Thiên-đài Đại Đại Phân Nam, Bắc. -lĩnh Địa Niên Niên Dữ Việt Thường

Câu đối ở đền thờ Quốc-tổ Đại-Việt tại núi Thiên-đài, tỉnh Hồ-Nam Trung-quốc do Trinh-quán tiến sĩ Chu Minh-Văn soạn.

(Núi Thiên-đài, là nơi đời đời phân chia lãnh thổ Hoa, Việt.

Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác, tồn tại với dòng giống Việt-thường)

Bốn hôm sau, triều đình thiết đại triều để tiếp sứ Tống. Vì Chính-long Bảo-ứng hoàng đế se mình, nên Thái-tử Long-Xưởng, cùng các vị thân vương Nghĩa-Thành, Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh nhiếp chính.

Lễ nghi tất.

Tể-tướng Đỗ An-Di bước ra tâu :

- Khải điện hạ, buổi thiết đại triều hôm nay để tiếp sứ thần Tống. Kể từ khi Tống công nhận quốc danh của ta, đây là lần đầu tiên sứ Tống sang. Trước kia sứ Tống sang ta nếu không vì việc hiếu, hỷ, thì cũng để phong chức tước. Cho nên sứ thần hầu hết là viên chuyển vận sứ Quảng-Tây hay Quảng-Đông. Trừ một lần, mật sứ Ngô Giới, Lưu Kỳ là các đại thần tại Khu-mật viện. Lần này chánh cũng như phó sứ đều có tước quốc công. Chánh sứ là Ngu Doãn Văn, ngoài võ công ra, ông ta còn là một danh sĩ vang danh Hoa-hạ về văn chương, về bút pháp. Hơn nữa chức của ông ta tới tới Thái-phó. Phó sứ là Tần Hy, con trai cố tể tướng Tần Cối, một đại cường thần, chức tới Thiếu-sư. Như vậy đủ tỏ cuộc đi sứ này mang một tầm mức quan trọng. Không biết điện hạ có chỉ dụ đặc biệt gì không ?

- Có.

Vương giảng giải :

- Trước nay, ta vẫn có hai lễ dành để tiếp sứ. Một là tiếp các sứ thần Chiêm, Chân, Lào, Xiêm tiến cống. Hai là tiếp sứ Trung-quốc. Hai là lễ nghi, bên khinh, bên trọng khác nhau. Gần đây, ta tiếp sứ Mông-cổ, lễ nghi thân mật, không khinh, không trọng. Lần tiếp sứ Tống này, ta vẫn áp dụng như các lần trước. Có điều lời lẽ mềm mỏng hơn. Bất cứ họ đòi hỏi gì, ta cũng liệu lời cho họ vui lòng. Từ hôm họ tới Bắc-biên, cô gia đã cử Kiến-An vương cùng Dao-thụ Thái-phó Ngô Lý-Tín, Thái-tử Thái-bảo lĩnh Lại-bộ thượng thư Bùi Kinh-An lên đón. Việc đãi sứ đoàn, cô gia đã chỉ dụ các phủ huyện phải tăng phần lễ vật, yến tiệc thực thịnh soạn.

Các quan phe chủ hòa đều kinh ngạc đến đờ người ra. Vì từ trước đến giờ, Long- Xưởng với các em, thêm Thủ-Huy và các đại thần trẻ luôn tỏ ra cứng rắn với Tống, lúc nào cũng lăm le chỉ ngọn cờ lên Bắc đòi lại cố thổ, thế mà lần này rõ ràng sứ Tống sang gây sự, thì Long-Xưởng lại tỏ ra mềm mỏng. Mềm mỏng quá đáng.

Đặc-tiến Thái-bảo Phí Công-Tín lĩnh Binh-bộ thượng thư khải :

- Như họ loan báo trước, Tống sứ sang với ba sự việc. Một là cải táng hài cốt Hoa-sơn tứ đại thần kiếm. Hai là xin bộ Vô song vô đối Trung-nguyên võ kinh. Ba là tìm tung tích đạo sư Lạc-Nhạn, đạo cô Vân-Đài. Xin điện hạ ban chỉ dụ về ba việc này.

- Về việc thứ nhất.

Long-Xưởng ban chỉ :

- Tống đòi cải táng hài cốt người quá cố, không những ta không cản trở, mà còn giúp đỡ phương tiện, nhất là làm lễ tiễn hài cốt thực long trọng. Cô gia đã ban chỉ cho bộ Lễ rồi. Bởi hài cốt đây là của những võ lâm đồng đạo, họ đem thân ra giúp xã tắc. Ta vinh danh họ để nêu cao lòng trung nghĩa của kẻ sĩ.

Từ trước đến giờ các đại thần phe chủ hòa cho rằng việc chỉnh bị binh mã, nêu cao quốc thống, cứng rắn với Tống của Long-Xưởng, Thủ-Huy và ba hoàng tử xuất phát từ lòng thù hận Tống mà nảy sinh. Khi họ nghĩ thế, thì họ cho rằng đối với Long-Xưởng thì cái gì của Tống cũng xấu, cũng chống cả. Bây giờ họ thấy Long-Xưởng tỏ ra có độ lượng biết chiêu hiền, đãi sĩ, đề cao lòng trung nghĩa, thì mừng chi xiết kể.

- Vấn đề thứ nhì...

Long-Xưởng chỉ vào một thiếu niên, trang phục theo lối nông dân, quần áo nâu, thân thể hùng vĩ, uy nghi : Vấn đề Vô Trung kinh là việc riêng của phái Hoa- sơn với phái Đông-a. Cô gia đã sai sứ về Thiên-trường thỉnh đại hiệp Tự-Kinh, chưởng môn nhân phái Đông-a tới để nói chuyện trực tiếp với Ngu Doãn-Văn. Đại hiệp Tự-Kinh cử cháu nội là Thần-nông sứ Thủ-Lý về tiếp sứ. Lát nữa đây Thần- nông sứ sẽ biện luận với Ngu Doãn Văn.

Thái-tử Thái-phó Lý Kính-Tu nhìn Thủ-Lý, rồi tỏ vẻ không hài lòng :

- Khải điện hạ, theo như thần biết thì Thần-Nông sứ tuy đức mãn Nam-thiên, nhưng chưa quá cái tuổi ba chục, như vậy... như vậy e không đủ vai vế nói chuyện với một danh sĩ như Ngu Doãn Văn đã trên năm chục tuổi.

Long-Xưởng đưa mắt cho Chinh-viễn thượng tướng quân, lĩnh Trung-thư lệnh Tăng Khoa. Tăng Khoa bước ra trả lời :

- Thưa quan Thượng-thư, sứ của triều đình cũng đã bầy tỏ y ùnày với đại hiệp Tự-Kinh. Đại-hiệp trả lời : Trong quá khứ giữa phái Hoa-sơn với phái Đông-a có tình thông gia. Vương phi Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai là công chúa Huệ-Nhu ngang vai với Tứ-đại thần kiếm. Từ Tứ đại thần kiếm đến Ngu Doãn Văn là bốn đời, thì đại hiệp cũng cử Thần-nông sứ Trần Thủ-Lý là cháu bốn đời của Kinh- Nam vương, cho vai vế ngang nhau, hầu dễ nói chuyện. Vả Thần-nông sứ nói chuyện với Ngu là nói chuyện về võ công, chứ không phải chính sự, càng không phải luận văn. Bàn về võ công, thì Ngu không thể bằng phò mã Thủ-Huy, trong khi võ công Thần-nông sứ cao hơn phò mã mấy bậc.

- Còn vấn đề thứ ba.

Long-Xưởng mỉm cười :

- Họ biết rõ người của họ đang trốn đâu đó ở Đại-Việt, làm tế tác, thế mà họ vẫn đòi. Cô gia đã có biện pháp.

Đến đó lễ quan báo :

- Sứ đoàn Tống do Kiến-An vương và Thái-phó Ngô Lý-Tín hướng dẫn đã tới.

Nhạc công cử bản Động-đình ca thời Lĩnh-Nam. Chánh sứ đi trước ngang với Kiến- An vương. Phó sứ đi sau, ngang với Thái-phó Ngô Lý-Tín. Phía sau là ba bồi sứ đi ngang với ba vị Tham-tri bộ Lễ, Lại, Binh của Đại-Việt. Sứ vào đến giữa điện Càn-nguyên thì bản nhạc dứt. Chánh sứ nói lớn :

- Thần, Dao-thụ Thái-phó, Tham-tri chính sự, lĩnh Đoan-minh điện đại học sĩ, Khu-mật viện sứ, Ninh-quốc công Ngu Doãn Văn, vâng chỉ Càn-Đạo hoàng đế, đến An-Nam quốc, xin triều kiến quốc vương.

Nội lực Doãn Văn rất cao, nên tiếng nói làm nhiều người ù tai. Ai cũng tưởng Long-Xưởng sẽ vận nội lực để đối lại với Tống sứ. Không ngờ Long-Xưởng khoan thai bước xuống ngai vái Doãn Văn, nói bằng giọng Hàng-châu, nhẹ nhàng, như một quan văn :

- Thái-tử Long-Xưởng, lĩnh Hiển-Trung vương xin bái kiến Ngu quốc công, thần xin kính chúc Càn-Đạo hoàng đế thọ t ỷ Nam-sơn. Vì phụ vương không được khỏe, nên thần cùng các quan xin kính cẩn tiếp thiên-sứ đại nhân.

Những sứ đoàn trước sang Đại-Việt, thường phải có thông dịch đi theo. Họ sẽ dịch tiếng Việt sang tiếng Trung-quốc cho sứ thần Tống, còn thông dịch của triều đình thì dịch từ tiếng Trung-quốc sang tiếng Việt cho triều đình Đại- Việt. Bây giờ Long-Xưởng nói thẳng tiếng Trung-quốc, hơn nữa là giọng Hàng- châu tức kinh đô Lâm-an nhà Nam-tống. Sứ đoàn Tống cũng như các đại thần Việt đều kinh ngạc.

Lễ nghi tất.

Long-Xưởng hỏi thăm sức khỏe của Càn-Đạo hoàng đế, của hoàng-hậu, của các vị tể thần thuộc phe chủ chiến một lượt, coi như không nghe, không biết gì về đám văn quan chủ hòa của phe Tần Hy cả. Mặt Tần Hy cau lại, tỏ ý bất mãn. Lời lẽ của Long-Xưởng hết sức khiêm cung, nhún nhường như một văn gia. Trong khi đối đáp vương vờ như không biết Tần Hy là ai, khiến mặt y trông càng khó coi hơn. Tiếp theo vương hỏi thăm các danh sĩ Tống, và không hết lời ca tụng văn tài cùng bút pháp của Ngu Doãn Văn. Cuộc đàm thoại sơ bộ hóa ra cuộc luận về văn học đương thời của Tống.

Vương-phi Trang-Hòa, phò mã Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi, Trung-thư lệnh Tăng Khoa, Lễ-nghi học sĩ Như-Như cùng nhập cuộc. Hầu hết các văn quan chủ hòa, quỳ lụy với Tống lại chỉ nói được tiếng Hoa vùng Quảng mà không biết nói tiếng Hoa vùng Tô-châu, Hàng-châu. Họ chỉ biết đứng ngây người ra nghe phe chủ chiến đàm luận vơí sứ đoàn. Thế rồi nhạc quan Đào Duy với phu nhân Như-Yên, con gái là Như-Như điều khiển nhạc công tấu nhạc để ba người ngâm những bài từ, bài ca của Ngu Doãn Văn, của các quan trong sứ đoàn cùng những danh tác mới nhất của danh sĩ hiện đại vùng Giang-Nam.

Trước đây, tế tác Tống tâu về triều rằng : Trừ quân Đại-Việt là thái tử Long- Xưởng một người hiếu động. Chính sách cứng rắn của Đại-Việt với Tống là do thái-tử chủ động. Nào thái-tử là người bài Hoa, đang chỉnh bị binh mã để Bắc- tiến như thời vua Nhân-Tông. Bây giờ sứ đoàn chỉ thấy ở Long-Xưởng một thiếu niên anh tuấn, phong lưu tiêu sái, nhất là lầu thông Kinh, Sử, Tử, Tập của Trung-quốc. Những sách cổ không nói làm gì, mà dĩ chí những sách mới viết ra gần đây, Long-Xưởng cũng biết. Quanh Long-Xưởng là ba vị hoàng tử, cho tới công chúa, vương phi đều hết sức nhún nhường, nói năng khiêm cung và yêu văn học, văn hóa Trung-quốc. Sứ đoàn không hề tìm thấy một chút ác cảm của Long- Xưởng vơí Trung-quốc. Trong lòng Tần Hy và các văn quan trong sứ đoàn nghĩ thầm :

- Có lẽ những tin tức ác độc trên do bọn biên thần hiếu chiến bịa đặt ra. Còn cái bọn tế tác, thì không có gì để tâu về, chúng nặn ra các tin trên để tự đề cao công trạng.

Cuộc đàm luận văn chương sơ bộ chấm dứt. Ngu Doãn Văn vào đề bằng ngôn từ của một văn nhân :

- Càn-Đạo hoàng đế sai thần sang để xin với Quốc-vương ba việc.

- Xin đại nhân cứ dạy.

Long-Xưởng nói : Tuy phụ hoàng không được khỏe, nhưng cô gia cùng các đại thần đây xin hết sức để thi hành chỉ dụ của Thiên-triều.

- Điều thứ nhất là xin thái-tử cho cải táng hài cốt bốn vị Hoa-sơn tứ đại thần kiếm đem về cố hương.

Long-Xưởng chắp tay lại, tỏ một cử chỉ khiêm cung :

- Thời đức Thần-tông bên Trung-nguyên, đức Nhân-tông bên Đại-Việt có sự hiểu lầm do cường thần Vương An-Thạch tạo ra mà thành chiến tranh. Do vậy rất nhiều tướng Tống vị quốc vong thân, mồ mả không ai hương khói, hài cốt lạnh lẽo, âm hồn phiêu bạt. Cô gia đã sai nghĩa đệ là Trung-thư lệnh Tăng Khoa đảm trách việc làm mộ chí, bảo quản, để một mai đưa về Trung-thổ. Còn Hoa-sơn tứ đại thần kiếm, thì có tình sư huynh sư muội với Kinh-Nam vương vương phi là Trưởng-đại công chúa Huệ-Nhu, nên sau khi bốn vị vãng du tiên cảnh, phái Đông-a đã cho xây mộ, xây miếu thờ, một tháng đôi lần ngày sóc, ngày vọng, hương khói không ngừng. Bây giờ Thiên-triều muốn cải táng đem về cố thổ, thì tiểu-vương xin tuân chỉ. Không biết Ngu đại nhân chỉ muốn cải táng Tứ đại thần kiếm hay của tất cả chư tướng ?

Cuộc đi sứ của Doãn Văn bề ngoài là đòi ba sự việc, với mục đích dò la thái độ của thái-tử Long-Xưởng hơn là triều đình Đại-Việt : Long-Xưởng có thù hận Tống, định đem quân Băc-tiến không ? Nếu không, thì Tống có thể dồn quân lên Bắc đối phó với Kim, vì Kim đang chuẩn bị vượt sông Trường-giang đánh Tống. Còn như Long-Xưởng quả có ý đó thì Tống sẽ chịu lụy với Kim, đem quân xuống Nam-thùy, đánh chiếm Đại-Việt, đặt làm quận huyện.

Bây giờ Doãn Văn vừa đưa ra điều thứ nhất, không những Long-Xưởng vui vẻ chấp nhận, mà lại còn cho cải táng tất cả di cốt các tướng Tống nữa, điều mà cả sứ đoàn không ai ngờ tới. Doãn Văn chắp tay tạ Long-Xưởng :

- Đa tạ quốc-vương, đa tạ thái-tử.

Long-Xưởng hỏi Tăng Khoa cũng vẫn bằng tiếng Hàng-châu:

- Lục đệ ! Hiện có bao nhiêu mộ tướng Tống mà lục đệ đang bảo quản ?

Tăng Khoa bước ra :

- Khải điện hạ có 72 mộ tất cả. Hôm trước được chỉ dụ của Hoàng-thượng, thần đã cho chuẩn bị các di vật của bốn vị Hoa-sơn thần kiếm cùng chư tướng để gửi chư vị đại nhân đây mang về trao cho gia đình.

Nói rồi Tăng Khoa trao cho Ngu Doãn Văn một tập sách nhỏ, trên ghi tên họ, chức tước, ngày, giờ tử trận của 72 tướng Tống. Trong sách còn ghi luôn di vật của họ như đoản kiếm, đoản đao, vàng bạc, thẻ bài, y phục.

Tăng Khoa nói với Doãn Văn :

- Thưa Ngu đại nhân, tiểu nhân đã chuẩn bị sẵn ngõ tác (người chuyên cải mộ), tiểu bằng sứ Bát-tràng để đợi sự chứng kiến của đại nhân là cho cải táng.

Long-Xưởng hỏi Doãn-Văn :

- Khoản thứ nhất cô gia đã làm tròn chỉ dụ của Thiên-triều. Vậy khoản thứ nhì là gì ?

- Nói dấu gì điện hạ, hầu hết các võ tướng Tống đều xuất thân từ phái Hoa- sơn, bản sứ cũng là đệ tử phái Hoa-sơn, cũng có chút ít hư danh... Nguyên phái Hoa-sơn có bốn pho võ công trấn môn. Song từ khi Tứ đại thần kiếm bị cầm tù ở Nam-phương thì các tuyệt kỹ này thất truyền. Trong khi bị cầm tù, Tứ đại thần kiếm đã nhân tuyệt kỹ Hoa-sơn, mà viết ra pho võ kinh, mang tên Vô song vô đối, Trung-nguyên võ kinh. Nghe nói bộ võ kinh này hiện phái Đông-a lưu giữ. Các tướng Tống có làm biểu tâu lên hoàng-thượng, xin hoàng-thượng ngỏ một lời với quốc vương. Nếu như quốc vương tuyên chỉ cho phái Đông-a trao trả pho sách tâm huyết của bốn vị thần kiếm đem về Trung-nguyên, thì toàn phái Hoa-sơn từ trên xuống dưới đều thâm cảm.

Long-Xưởng bưng chung trà trao cho Doãn-Văn, rồi nói :

- Từ trước đến nay, các môn phái thuộc võ lâm An-Nam vẫn tiêu dao tự tại đứng ngoài vòng cương tỏa của triều đình. Các gia, các phái Hoa Việt giao hảo với nhau ân oán thế nào, triều đình không can thiệp vào. Phái Hoa-sơn với phái Đông-a trong quá khứ vốn có tình thông gia. Cái vụ Tứ đạiï thần kiếm soạn võ kinh này, cô gia không biết gì cả. Vì vậy, cô gia đã gửi sứ về Thiên-trường thỉnh đại hiệp Tự-Kinh việc này. Đại hiệp có sai Thần-nông sứ Trần Thủ-Lý lai triều. Cô gia xin đại nhân hỏi thẳng Thần-Nông sứ thì hơn.

Vương hô lớn :

- Kính thỉnh Thần-nông sứ !

Thủ Lý từ trong bước ra.

Lễ nghi tất.

Long-Xưởng thân kéo ghế mời Thủ-Lý ngồi, rồi nói với Ngu Doãn-Văn :

- Xin đại nhân đối thọai với Trần huynh.

Doãn-Văn phóng con mắt nhìn Thủ-Lý để tìm hiểu người đối thoại với mình. Thấy Thủ-Lý mặc quần áo theo kiểu nông dân, nhất là cái quần có hai miếng vá, cái áo thì bạc mầu. Bất giác Doãn nảy ra ý khinh khi. Doãn nói :

- Cứ theo như thế phả hành trạng, thì huynh đài đây với bản sứ ngang vai với nhau có phải thế không ?

Thủ-Lý lạnh lùng đáp bằng tiếng Hoa, giọng Hàng-châu:

- Thưa ngài Thiên-sứ, giữa ngài với tên thôn phu này không thể ngang vai được! Hoàn toàn không thể ngang vai. Thân phận chúng ta khác nhau xa lắm.

- Huynh đệ nói sao nghe lạ tai quá ! Cứ như kiến thức của bản sứ thì, huynh đệ là cháu bốn đời của thái công chúa Huệ-Nhu, mà công chúa với Tứ đại thần kiếm ngang vai. Còn bản sứ thì là đệ tử đời thứ tư của Tứ đại thần kiếm. Rõ ràng như vậy là chúng ta ngang vai với nhau, mà sao huynh đệ lại bảo rằng không phải ?

- Kính thưa ngài Thiên-sứ ! Nói với gã thôn phu này, câu đầu tiên ngài xưng là bản sứ, tức sứ thần của Tống triều sang Đại-Việt. Trong khi tôi chỉ là tên vai u thịt bắp, cầy sâu, cuốc bẫm. Danh phận cách nhau xa lắm.

Doãn-Văn ngắt lời :

- An-Nam chứ không phải Đại-Việt.

- Tôi là tên thôn phu Đại-Việt chứ không phải An-Nam. Cái tên An-Nam là do Tống triều nặn ra, chứ trước sau chúng tôi vẫn là Đại-Việt. Tôi nhắc lại Đại- Việt là Đại-Việt, chứ không phải là An-Nam. Nếu ngài muốn nói chuyện với tên thôn phu Đại-Việt thì tôi xin ngồi hầu chuyện ngài. Còn như ngài nhất định bảo tôi là tên thôn phu An-Nam thì ngài cứ ngồi mà nói chuyện một mình. Tôi xin kiếu từ.

Sợ Thủ-Lý bỏ đi, thì không hy vọng gì tìm lại võ kinh, Doãn-Văn đành nhượng bộ :

- Thôi được, Đại-Việt thì Đại-Việt.

Nói câu đó xong, Doãn-Văn tự chửi thầm :

- Thực là hỏng bét. Mình to đầu mà dại. Chỉ vì khinh khi thiếu niên này, mà qua câu câu đối thoại đầu tiên, mình đã bị thua rồi. Nhưng nhất định mình phải đưa y vào bẫy, rồi đòi cho bằng được bộ võ kinh.

Nghĩ vậy Doãn-Văn tiếp :

- Này Trần đệ đệ ! Đệ đệ với bản sứ vốn ngang hàng với nhau, mà sao đệ lại không mấy thân thiện với bản sứ là lý gì vậy ? Sở dĩ bản sứ phải nhắc lại quốc danh An-Nam, vì muốn chính danh mà thôi. Đệ đệ có đọc Luận-ngữ không ?

Thủ-Lý ngơ ngác hỏi :

- Luận-ngữ à ? Thế trong Luận-ngữ có chép cách nuôi cá mè, nuôi cá chép không ? À, tôi hiểu rồi, chắc trong Luận-ngữ dạy cách ủ phân, bón phân, gieo mạ hoặc làm thịt chó hẳn ?

Doãn-Văn phát cáu nhưng vẫn phải nín nhịn, y chửi thầm : Mình tưởng tên này có đôi chút học vấn, không ngờ y dốt quá. Như vậy càng dễ. Ngu giảng giải :

- Luận-ngữ là một sách trong Tứ-thư, chép những kỷ cương của đạo thánh.

- À thì ra Luận-ngữ chép mật quyết của đức thánh đấy. Thế thánh đây là thánh Gióng hay thánh Tản ?

- Không ! Thánh Khổng.

- Thánh Khổng à ? Oâng thánh này là ai vậy ? Tôi chưa từng nghe qua. Tôi không biết cái ông thánh này.

Ngu Doãn-Văn nghĩ thầm :

- Một tên nông dân ở sứ Nam-man không biết gì về đạo thánh thì cũng là sự thường. Ta phải bình tĩnh.

Doãn-Văn giảng giải :

- Thánh Khổng là một người đức mãn thiên địa, đạo quán cổ kim, quần thánh đại thành, vạn thế sư biểu. Trong Luận-ngữ có chép về cái lẽ chính danh như sau : Khi học trò hỏi rằng : Nếu thầy được nhà vua trao quyền, thì việc đầu tiên thầy làm gì ? Khổng-tử đáp : Phải chính danh. Hỏi : Sao phải chính danh trước ? Đáp : Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì sự mới thành. Cho nên trước tiên, chúng ta phải chính danh : Huynh đệ với bản sứ ngang vai với nhau.

Ghi chú của thuật giả:

Đức mãn thiên địa, đạo quán cổ kim ,

Quần thánh đại thành, vạn thế sư biểu.

Có nghĩa là :

Đức đầy trời đất, đạo bao trùm cổ, kim. Trong các bậc thánh, thì ngài là người thành đạt nhất, ngài là người tiêu biểu cho ông thầy vạn thế.

Đây là câu đối thường viết ở hai bên những bức hình Khổng-tử.

Vào năm 1972 tại miền Nam Việt-Nam, anh em ký giả nhờ tôi là một đôi câu đối để nói về bốn ông tỉnh trưởng : Bạc-liêu nổi danh ác độc, An-xuyên nổi danh gian tham, Vĩnh-bình nổi danh ngu dốt, Kiến-phong nổi danh ăn bẩn. Tôi đã dùng câu này, biến đổi đi như sau :

Ác mãn thiên địa, gian quán cổ kim,

Quần cẩu đại thành, thực phẩn vạn thế.

Tôi chỉ muốn nói chung chung tính chất của bốn ông mà thôi. Song anh em ký giả sợ độc giả không hiểu rõ câu đó chỉ những ai, họ mới thêm thắt vào thành :

Ác mãn thiên địa Liêu vương Hoàng đại cẩu, để chỉ đại tá Hoàng Đức-Ninh, tham nhũng, đốt chợ, giết người. Gian quán cổ kim, U-minh vương Lê nhị cẩu, để chỉ đại tá Lê Chí-Cường, gian dối, cho em ruột đắc cử dân biểu.

Quần cẩu đại thành, Trà-vương Chung tam cẩu, để chỉ đại tá Chung Văn-Bông, thất học, mà làm tỉnh trưởng.

Thực phẩn vạn thế, Đồng-tháp ma vương Trần tiểu cẩu, để chỉ đại tá Trần Thanh- Nhiên, thủ đoạn vặt, ăn bẩn.

Liêu là Bạc-liêu, U-minh để chỉ tỉnh An-xuyên, nơi có rừng U-minh thượng, U-minh hạ. Trà-vinh để chỉ tĩnh Vĩnh-bình, tên cũ của Vĩnh-bình là Trà-vinh. Đồng-tháp để chỉ Đồng-tháp mười, tức tỉnh Kiến-phong.

Thủ-Lý vẫn lạnh lùng :

- Tôi nhắc lại, ngài là Thiên-sứ. Còn tôi chỉ là một anh thôn phu, thì địa vị, vai vế khác nhau xa lắm. Ngang với nhau sao được ? Bởi ngay câu đầu, ngài đã xưng là bản sứ rồi tiếp theo, toàn là bản sứ trường, với bản sứ đoản. Thưa ngài, nói theo bộ sách Luận-ngữ dạy cách ủ phân, nuôi cá, làm thịt chó thì chúng ta phải chính danh. Chính danh thì ngài là Thiên-sứ, còn tôi là tên thôn phu, sao có thể ngang hàng với nhau nhỉ ?

Bây giờ Doãn-Văn mới hiểu : Chỉ vì câu đầu mình xưng là bản sứ, mà Thủ-Lý nắm ngay lấy từ ngữ đó, để gây rắc rối. Y nghĩ thầm :

- Ta nghe đại hiệp Tự-Kinh là người có tài dọc ngang trời đất, mà ông ta sai thiếu niên này về gặp ta thì y phải là đứa cháu kiệt hiệt. Chỉ vì ta khinh thường y, mà ta bị y làm cho mắc lưới hai phen. Ta phải cẩn thận.

Y đổi hẳn giọng :

- Xin lỗi tiểu huynh đệ. Xin tiểu huynh đệ cho phái Hoa-sơn gửi lời vấn an đến Trần lão đại hiệp, và toàn thể phái Đông-a. Bây giờ chúng ta hãy đi vào ngay vấn đề.

Thủ-Lý thấy mình bắt bẻ Ngu Doãn-Văn như vậy cũng đủ để y bỏ bớt cái kiêu căng của một danh sĩ đi rồi. Bây giờ y đưa ra lời vấn an ông nội mình, thì cũng nên tử tế với y cho đúng đạo lý tộc Việt. Chàng gật đầu :

- Được, nếu nói về tình nghĩa giữa Hoa-sơn với Đông-a thì không thể dùng cái tiếng bản sứ ở đây. Vậy xin sư huynh cứ dạy.

- Từ khi Tứ đại thần kiếm bị giữ ở Thiên-trường, phái Hoa-sơn chỉ nhận được những mẩu tin chắp nối, mâu thuẫn với nhau. Còn thực sự hành trạngï ra sao thì không biết. Tuy nhiên chúng tôi biết rõ ràng rằng Tứ vị thần kiếm có soạn ra bộ Vô-song vô đối Trung-nguyên võ kinh. Xin huynh đệ cho biết thực sự ra sao ?

- Sau khi bị Mộc-tồn, Viên-Chiếu bị bắt tại trận Như-nguyệt, triều đình Đại- Việt định đem bốn vị thần kiếm ra chém đầu. Nhưng cao tổ mẫu nghĩ tình đồng môn, người xin với cao tổ phụ vận động với triều đinh để xin ân xá. Triều đình tha cho tội chết, giảm uống thành khổ sai chung thân, rồi giao cho phái Đông-a quản thúc bốn vị. Cao tổ mẫu truyền cấp nhà, tỳ nữ, bộc phụ hầu hạ sớm tối. Thông thường ban ngày các vị ấy tiêu dao với sơn thủy, chiều về thì luyện công... đời sống rất nhàn nhã. Mười năm cuối đời, các vị ấy thu đệ tử, đem đạo Lão ra truyền bá. Bản phái, thấy vậy, thì xây cho bốn vị một cái điện lớn để thờ chư thánh. Không mấy chốc, bốn vị nổi danh là bốn phù thủy rất cao tay, có tài trị tà, bắt ma giúp dân, nên điện lúc nào cũng đầy người ra vào. Các vị ấy nhờ dân chúng giúp đỡ tự xây lấy một cái miếu, theo đúng kích thước, hình dạng tổ đường của phái Hoa-sơn, lại mua bốn khúc gỗ vàng tâm lớn, khoét thành bốn cỗ hậu sự (quan tài, hòm), xây sẵn bốn cái mộ ở sau miếu. Khi các vị ấy vãng du tiên cảnh, thì đệ tử chiếu di chúc tống táng theo đúng lễ nghi của quý phái. Hiện nay miếu đó vẫn còn, ngày sóc, ngày vọng, dân chúng hương khói tấp nập.

Thủ-Lý ngừng lại, đưa mắt nhìn toàn thể sứ đoàn rồi tiếp :

- Cách đây ít năm, có bọn khách thương đột nhập miếu ăn cắp các di vật, họ bị dân chúng bắt nộp lên quan. Nghe đâu chúng xưng là mật sứ Thiên-triều tên Ngô Giới, Lưu Kỳ cùng cái gọi là Ngũ nhạc đại lĩnh, Hoa-nhạc tam phong, Hoa-nhạc tam nương. Điều này xin sư huynh cứ hỏi thái-tử thì rõ hơn.

Nghe Thủ-Lý nói, Long-Xưởng biết Thủ-Lý muốn cho sứ Tống biết rằng : Các môn phái Đại-Việt tuy tiêu dao tự tại, nhưng vẫn thượng tôn luật pháp.

- Thưa Thần-nông sứ.

Long-Xưởng nói dõng dạc : Những vị đó quả là mật sứ của Tống triều, họ cũng là những đệ nhất cao thủ của phái Hoa-sơn đấy !

- Cao thủ Hoa-sơn ư ? Tôi nghe nói, vua Thái-tổ, Thái-tông của Tống triều xuất thân từ phái này. Suốt bao năm qua, võ đạo Hoa-sơn lừng danh Thiên-hạ, mà sao những cao thủ bậc nhất lại đi ăn trộm ?

Doãn-Văn xấu hổ :

- Huynh đệ thông cảm, chỉ vì Ngô, Lưu sư huynh muốn tìm bộ Vô Trung kinh, mà hành sự có đôi chút hồ đồ.

- Tôi không tin, bởi nếu các vị ấy muốn tìm di thư của tiền nhân, sao không đường đường chính chính đến tổng đường phái Đông-a mà hỏi ? Thôi việc này xin trả lại cho Đỗ tể tướng phán quyết. Bây giờ tôi xin trở lại hành trạng của Tứ đại thần kiếm. Tứ vị thần kiếm qua đời, đã để lại khá nhiều di vật. Khi lên đường về đây, nội tổ truyền lệnh cho tôi mang theo nộp lên triều đình, tùy nghi triều đình quyết định. Còn cái gọi là Vô song vô đối Trung-nguyên võ kinh, thì Tứ đại thần kiếm đã dùng hết tâm huyết khắc vào mười tám cái thẻ đồng. Khi mai táng Tứ đại thần kiếm, cao tổ phụ (Kinh-Nam vương) để di chúc truyền mai táng theo. Vậy các vị hãy về Thiên-trường cùng chúng tôi cải táng mộ Tứ đại thần kiếm, cùng tiếp nhận di thư một thể.

Long-Xưởng truyền thị vệ mang vào bốn cái hòm (rương) lớn trao cho Ngu Doãn- Văn. Doãn-Văn mở ra : Bên trong chứa bốn thanh kiếm, y phục, cùng các vật dụng hàng ngày như bút, nghiên, dày, dép ; lại có cả tiền vàng, bạc cùng một số sách vở.

Ngu Doãn-Văn chắp tay xá Long-Xưởng, Thủ-Lý :

- Đa tạ quốc-vương, đa tạ thái-tử, đa tạ Trần lão đại hiệp, đa tạ Thần-nông sứ.

Thủ-Lý cung tay :

- Thưa Ngu sư huynh, giữa những bậc tiền nhân của chúng ta vốn có tình thông gia, nên phái Đông-a đã dùng cái tình, cái nghĩa mà ở với phái Hoa-sơn. Vậy kể từ lúc này, đệ xin sư huynh cùng các vị trong sứ đoàn cũng lấy tình mà đối xử với triều đình Đại-Việt.

Doãn-Văn đưa mắt nhìn phó sứ Tần Hy. Phó sứ Tần Hy đáp thay Doãn-Văn :

- Rất mong được như thế mãi mãi.

Ngu Doãn-Văn hướng Long-Xưởng :

- Thưa vương gia, bây giờ sang đến vấn đề thứ ba của chuyến đi sứ này, là xin vương gia trao trả đạo sư Lạc-Nhạn và đạo cô Vân-Đài cho phái Hoa-sơn .

Long-Xưởng chỉ Nghĩa-Thành vương :

- Vấn đề này, xin để thúc phụ là người lĩnh Khu-mật viện trả lời với Ngu đại nhân.

Nghĩa-Thành vương bước ra tường thuật chi tiết việc mậ sứ Ngô Giới, Lưu Kỳ sang Đại-Việt, rồi bị bắt giam lỏng ra sao, việc Lạc-Nhạn, Vân-Đài trốn khỏi con thuyền thế nào mộït lượt. Vương kết luận :

- Có thể hai vị ấy bị chết chìm cũng nên, ngặt vì nước sông Hồng chảy siết, nên xác trôi đi mất, thiểm quốc trên dưới đã ra công tìm kiếm mà không thấy.

Tần Hy xua tay :

- Nhất định là quý quốc còn giam hai vị này ở đâu đó. Mong quý quốc đem trả cho chúng tôi.

Thủ-Lý hướng tể tướng Đỗ An-Di :

- Thưa tể tướng, chủ đạo tộc Việt định rằng, bất cứ con dân nào cũng có thể đứng ra gánh vác việc xã tắc. Vậy không biết tể tướng có thể cho phép tên thôn phu này tìm xương Lạc-Nhạn đạo sư cùng hai vị Vân-Đài tiên tử không ?

Mặt An-Di tái đi :

- Nếu như Thần-nông sứ làm được việc đó thì thực là một đại công với triều đình.

Nghe Thủ-Lý đối đáp với An-Di, Long-Xưởng nhìn Thủ-Huy như muốn hỏi : Tống đòi hài cốt Lạc-Nhạn, với Vân-Đài, tại sao Thủ-Lý lại nói hai vị Vân-Đài ? Tại sao Đỗ An-Di không cải chánh, mà lại im lặng, rồi mặt tái đi ? Có gì bí ẩn ở trong không ? Thủ-Huy cũng không hiểu, công trả lời bằng cái lắc đầu.

Thủ-Lý hướng Tần Hy :

- Chúng ta vừa hứa lấy tình mà ở với nhau, mà sao Tần đại nhân lại vi ước như thế này nhỉ !

- Bản nhân vi ước ở chỗ nào ?

Thủ-Lý cười nhạt :

- Lấy tình là gì ? Thưa là không khách sáo, là việc của Tống thì Đại-Việt coi như là việc của mình. Ngược lại, Tống cũng nên đối xử chân thật với Đại-Việt để đáp lại. Thế mà các vị còn nêu ra cái vụ Lạc-Nhạn với Vân-Đài thì còn trời đất nào nữa ?

Mặt Tần Hy tái nhợt :

- Sứ đoàn sang đây với ba mục đích. Mục đích thứ nhất, thứ nhì đã được giải quyết, thì chúng tôi bàn sang vụ thứ ba. Tại sao Thần-nông sứ lại cho rằng chúng tôi không chân thật ?

Thủ-Lý cười nhạt :

- Thôi được ! Xin sứ đoàn cứ ở lại Thăng-long, tôi hứa chỉ trong mười ngày là có thể đem nộp tám bộ hài cốt của các đạo sư, tiên tử phái Hoa-sơn cho quý vị.

Mặt Tần Hy càng tái xanh hơn :

- Tại sao không thể nộp hôm nay ?

Thủ-Lý trả lời lơ mơ :

- Từ khi triều Lý lập nền chính thống, thì những hình phạt như quẳng người vào vạc dầu không còn nữa. Vì vậy tại triều không có vạc dầu. Bằng không thì chỉ hai giờ, là tôi có thể nấu rục hết thịt đạo sư Lạc-Nhạn với sáu vị tiên tử trong Hoa-nhạc tam nương, rồi nộp xương cho các vị. Vì không có vạc dầu, nên tôi sẽ phải nhờ bầy quạ rỉa thịt, hầu nộp xương. Muốn cho quạ rỉa hết thịt bẩy vị đó thì cần tới mười ngày.

Nghe Thủ-Lý nói, toàn thể sứ đoàn đều rúng động, mặt tái xanh. Tần Hy hỏi :

- Như vậy thì Lạc-Nhạn, Vân-Đài vẫn còn tại thế chăng ?

- Còn hay không còn thì Ngu đại nhân biết rất rõ. Bây giờ tôi muốn Ngu đại nhân trả lời dứt khoát là : Sứ đoàn có còn đòi hài cốt hai vị đạo nhân nữa không ? Không những tôi trả hai, mà trả tám kia.

Tần-Hy kinh ngạc :

- Tại sao lại tám ?

Thủ-Lý lam bộ tính đốt ngón tay : Trung-nhạc Tung-sơn Thiên-Hư này, Lạc-Nhạn họ Vương này, Vân-Đài Nam-Phương này, Vân-Đài Thúy-Thúy này, Công-Chúa Mai- Hương này, Công-Chúa Vương... này, Mao-Nữ Hàn Dũ-Linh này, Mao-Nữ Nhạc Bảo-Bảo này.

Nghe Thủ-Lý kể, Ngu Doãn-Văn run lật bật, y đáp lí nhí trong cổ :

- Thôi, Trần sư đệ, chúng ta lấy tình mà ở với nhau, kể từ đây phái Hoa-sơn không đòi Lạc-Nhạn, Vân-Đài nữa.

Triều đình, trên cao nhất là Long-Xưởng, cho đến các quan đều kinh ngạc đến đờ người ra. Vì gần chục năm qua, mỗi lần Tống sứ sang Đại-Việt, sứ Việt sang Tống, họ đều đòi Lạc-Nhạn với Vân-Đài. Thế mà bây giờ Thủ-Lý chỉ nói mấy câu bao hàm rất nhiều bí mật, đãø khiến họ rút việc đòi người...là điều không ai ngờ tới. Trong lời nói của Thủ-Lý, thì dường như thiếu niên nhà quê này biết rõ Lạc-Nhạn, Vân-Đài còn sống, hơn nữa biết rõ cả Tung-nhạc Trung-sơn, rồi còn thêm một Vân-Đài, hai Công-Chúa, hai Mao Nữ... Tổng cộng tám người. Nhưng sao lại dọa sẽ giết bẩy người, vứt xác cho quạ rỉa thịt, rồi đem xương trả lại Tống ? Có lẽ đúng sự thực, vì vậy Ngu Doãn-Văn kinh hãi, líu ríu bỏ cuộc. Long-Xưởng muốn hỏi Thủ-Lý chi tiết, song vương thấy mình là trừ quân, nhiếp chính mà lại không biết cái việc trọng đại này, thì xấu hổ quá, nên im lặng.

Đến đây buổi tiếp sứ đã chấm dứt. Long-Xưởng truyền mời sứ đoàn đến điện Long- hoa ăn yến cùng chư đại thần Việt.

Kể từ sau khi sứ đoàn Ngu Doãn-Văn về nước, thì phe chủ hòa của các đại thần già không còn ra mặt chống đối chính sách cứng rắn của Long-Xưởng nữa. Long- Xưởng cùng Thủ-Huy, ba em ra sức luyện quân tích trữ lương thảo, chờ ngày cùng Kim, Đại-lý ra quân. Hàng tháng Thủ-Huy đều nhận được tin tức từ Kim, Đại-lý về việc chuẩn bị của họ, và những tin tức về sự suy yếu của Tống. Cứ mỗi lần nhận được tin tức như vậy, Long-Xưởng lại tổ chức một buổi thiết Đông-cung triều tuyệt mật để duyệt xét tình hình.

Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 11 (DL. 1173, Quý Tỵ) bên Trung-nguyên là niên hiệu Càn-Đạo thứ 9 đời vua Hiếu-tông nhà Tống, mùa Xuân-tháng giêng.

Sau ba ngày tết, thì thái-tử Long-Xưởng, ba hoàng tử là Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh vương, công chúa Đoan-Nghi, phò mã Trần Thủ-Huy nhập cung, mật nghị với Chính-long Bảo-ứng hoàng đế và hoàng hậu. Cuộc mật nghị kéo dài suốt ba giờ (6 gờ ngày nay). Sau đó hoàng đế ban chỉ thay đổi lại toàn bộ nhân sự về binh lực trong triều đình. Tuy nhiên chỉ thay đổi chức mà thôi, còn tước thì vẫn giữ nguyên.

- Lão thần Tô Hiến-Thành rời chức Thái-úy, thăng lên chức Thái-sư.

- Phò-mã Trần Thủ-Huy rời chức tổng-lĩnh Thiên-tử binh, giữ chức Phụ-quốc thái-úy, (Tương đương với ngày nay là tổng tư lệnh quân đội).

- Nghĩa-Thành vương, lĩnh Binh-bộ thượng thư ( Tương đương với ngày nay là bộ trưởng bộ Quốc-phòng) thay thế Phí Công-Tín.

- Kiến-Tĩnh vương Long-Hòa, rời chức tổng trấn Thanh-Nghệ về tổng lĩnh Thiên- tử binh. (Tương đương với ngày nay là tư lệnh lục quân).

- Tăng Khoa rời chức Trung-thư lệnh, lĩnh ấn Vũ-kỵ thượng tướng quân, (tương đương với ngày nay là tư lệnh kị binh).

Ngoài ra, không có gì thay đổi.

Truyền cho các con ra về, nhà vua lưu hoàng-hậu, Long-Xưởng lại để nhận chỉ dụ mật . Nhà vua ra hiệu cho cung nga, thái giám ra ngoài, trong cung chỉ còn ngài hoàng hậu, Giai-phi Chế-bì La-bút với Long-Xưởng. Nhà vua hỏi hậu :

- Nào, hậu có gì cần dậy dỗ Xưởng nhi đây ?

Hoàng-hậu nhìn Giai-phi rồi hỏi Long-Xưởng :

- Con có biết do đâu đức Thái-tổ nhà ta lập ra bản triều không ?

- Tâu, do vua Lê ngọa triều tàn bạo, tham dâm quá độ, vì vậy khi vua băng, con còn nhỏ, quần thần mới tôn đức Thaiù-tổ lên ngôi.

- Con hiểu một mà không hiểu hai. Không phải thế đâu. Khi vua Ngọa-triều băng, thì còn tới bốn vị vương con của vua Lê Đại-hành trấn ở ngoài. Tại sao triều thần không tôn một trong các vương ấy lên ngôi ?

- ? ? ?

- Vì đức Thái-tổ là phò mã của vua Lê, mà hoàng hậu của ngài lại là một công chúa tài, đức nhất của triều Lê. Vì vậy hoàng tộc không ai phản đối. Họ nghĩ, con rể, con trai, đều là con cả. Nay con rể có đức, thì cũng nối ngôi được.

- Nhưng còn triều thần ?

- Đức Thái-tổ lên ngôi vì người lĩnh chức Điện-tiền chỉ huy sứ, tương đương với ngày nay là Thái-úy. Người lại được Trung-nghĩa hầu Đào Cam-Mộc làm Thập- đạo tướng quân, xuống lên phò tá. Chức Thập-đạo tướng quân tương đương với bản triều là thống lĩnh Thiên-tử binh. Dĩ nhiên một số triều thần thấy nhà Lê đức suy quá rồi, họ chẳng thiết khuông phò nữa. Nhưng cũng còn nhiều người trung thành với chúa, vì sợ...mà im lặng.

- À ! Con hiểu ý mẫu hậu rồi.

- Con thử nói ra xem có đúng ý mẹ không ?

- Mẹ nghi ngờ Thủ-Huy ?

- Đúng thế ! Tài trí Thủ-Huy hơn đức Thái-tổ của ta nhiều. Y cũng là phò mã. Đức Thái-tổ chỉ được một mình Trung-nghĩa hầu phò tá mà lên ngôi vua. Còn hiện thời, phó đại đô đốc Phùng Tá-Chu là em rể của Thủ-Huy. Năm đô đốc, mười hai tướng chỉ huy Thiên-tử binh, kị binh, ngưu binh... đều là người do Thủ-Huy đào tạo ra. Phái Đông-a lại xen vào việc triều đình quá nhiều. Nếu như mai này Thủ-Huy trở tay thì sự nghiệp Tiêu-sơn không còn nữa.

- ! ! !

Giai-phi Chế-bì La-bút thêm vào :

- Tôi nghĩ, phòng lửa hơn chữa lửa. Tuổi Thủ-Huy còn quá trẻ, mà chức tới Thái-úy, tước tới quốc công. Nay Thái-tử trao hết binh quyền cho y, Bắc-tiến. Nếu như thành công, thì phải phong vương cho y. Bấy giờ, uy tín y quá lớn, thì khi Thái tử lên ngôi vua, liệu y có chịu ngồi yên không ?

- ? ! ? ! ? !

- Bây giờ, Thái-tử phải từ từ loại phái Đông-a ra khỏi việc triều đình. Trong cuộc tiến binh đòi lại cố thổ, nếu thành công, thì lập tức Thái-tử phong cho y tước vương, coi vùng đất mới chiếm được, để y phải chống với dân Hán nổi lên đánh ta . Dĩ nhiên y phải rời chức Thái-úy. Các tướng thân tín của y, ta cũng phong cho các chức văn lớn, nhiều bổng lộc như tuyên vũ sứ , an phủ sứ, rồi cử người của Thái- tử thay thế. Sau đó, dần dần Thái-tử lại gọi y về triều, ban cho chức thực lớn như Thái-sư chẳng hạn, mà không cho y thực quyền. Còn như việc tiến quân thất bại, Thái-tử đem y ra xử tử, thì không ai nói gì được nữa.

Hoàng hậu dặn thêm :

- Việc này con phải kín đáo lắm mới được. Bằng không, Thủ-Huy biết trước, e y đem quân làm phản ngay thì nguy lắm.

- Con xin ghi nhớ lời dạy của mẫu hậu và Giai-phi.

Nhà vua cau mày lại tỏ ý khó chịu :

- Tại sao hậu lại nghĩ xấu cho Thủ-Huy như vậy ? Trẫm thấy từ khi Huy nhi về Thăng-long, một lòng phò tá triều đình. Bổng lộc cũng không thiết. Huy nhi lại nhất tâm sủng ái một mình Đoan-Nghi. Bất cứ Đoan-Nghi muốn gì là Huy nhi chiều theo, cả nhà y cũng chiều theo. Cứ như trẫm nghĩ, thì Thủ-Huy không phải là người phản phúc, cả nhà y ai cũng không muốn vướng vào đường công danh, thì hỏi rằng họ nào có muốn cho Huy nhi làm vua ? Vả dù Huy nhi là người thâm hiểm đến đâu chăng nữa, khi y manh tâm, làm sao y dấu được Đoan-Nghi ? Đoan-Nghi cực kỳ thông minh, ngày đêm bên cạnh y, liệu Đoan-Nghi có để yên cho y làm việc gì hại cho nhà mình không ?

Nhà vua bực mình :

- Thôi hậu với phi lui. Xưởng nhi về lo công việc của mình đi. Thủ-Huy là em rể, là em kết nghĩa, là ngôi sao thủ mệnh của Xưởng nhi, đừng nghi ngờ y vô lý như vậy.

Từ đấy, điện Uy-viễn là nơi đặt trụ sở Khu-mật viện, ngày đêm, ngựa trạm đi về liên miên, mang những tin tức từ Bắc-cương, từ các trấn, truyền lệnh của triều đình về các trấn. Tuy những chuẩn bị cực kỳ bí mật, tuy dân chúng không biết những gì đang diễn ra, nhưng người ta linh cảm thấy đất nước sắp có những biến chuyển lớn.

Hôm ấy là ngày 25 tháng 5, niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 11, (DL.1173, Quý Tỵ) là ngày thiết Đông-cung triều mật của tháng năm. Buổi thiết triều chia làm hai phần rõ rệt. Phần thứ nhất bao gồm toàn thể văn võ đại thần, nghị về việc tiếp tế , cung ứng lương thảo, việc nội trị. Phần này sắp tới giờ Ngọ thì chấm dứt. Sang phần thứ nhì là cuộc nghị về phương lược tiến quân, thì chỉ các võ tướng và các quan văn có trách nhiệm tham dự. Giữa hai cuộc nghị sự, là một bữa tiệc do vương phi Trang-Hòa khoản đãi.

Long-Xưởng tuyên chỉ mời Nghĩa-Thành vương và bọn Thủ-Huy, Đoan-Nghi, Long- Minh, Long-Đức, Long-Hòa cùng tất cả các tướng chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh, các đô đốc thủy quân, tướng chỉ huy hiệu kị binh Phù-Đổng, tướng chỉ huy hiệu binh trâu Hoa-lư ; vào ngự thiện đường ăn tiệc.

Chư tướng vào Ngự-thiện đường, vú Loan đã đon đả :

- Thỉnh thái-tử cùng các vị nhập tiệc cho. Tiểu tỳ xin dâng món thứ nhất là cá song hấp. Món thứ nhì là cua bể bấy (lột) rán. Món thứ ba là chả rươi. Món thứ tư là gà Trường-yên hấp nấm.

Á-Nương đã điều khiển cung nga bầy yến xong. Bà cùng mười người chắp tay đứng hầu.

Trên cái bàn lớn, mười con cá song, mỗi con dài đến ba gang tay, nằm gọn trong đĩa sứ Bát-tràng, khói bốc lên nghi ngút. Vương phi Trang-Hòa, tuy nhỏ tuổi hơn Đoan-Nghi, với ba hoàng tử, nhưng nhờ giáo dục gia đình rất kỹ, nên có tư thái của một vị mẫu nghi thiên hạ. Phi xếp Long-Xưởng ngồi vào chủ vị, rồi mình ngồi bên trái chồng để tiếp khách. Nghĩa-Thành vương được đặt vào ngôi vị cao nhất. Đáng lẽ bên phải Long-Xưởng là Long-Minh, nhưng phi lại đặt Thủ-Huy với Đoan-Nghi vào đấy, lấy lý do Thủ-Huy là sư phụ dạy võ của các hoàng tử. Sau đó tới chư tướng.

Vừa nhập tiệc, Kiến-Ninh vương Long-Minh là người cực thông minh. Vương bỏ đũa xuống nói với Long-Xưởng :

- Đại huynh ! Trong lúc thiết triều, em thấy dường như đại huynh có điều gì muốn đem ra nghị sự. Nhưng rồi lại bỏ qua. Bây giờ chỉ có anh em mình với chư tướng. Ta có thể bàn với nhau.

- Khắp nơi trên Đại-Việt, ai cũng nói Kiến-Ninh vương thông minh nhất triều đình Chính-Long Bảo-ứng thực không sai. Nguyên đêm qua, tuyên-phi Từ Thụy- Hương lâm bồn sinh ra một hoàng nữ, thục-phi Đỗ Thụy-Châu lâm bồn sinh ra một hoàng nam. Hoàng nam được đặt tên là Long-Trát. Nhưng ngay khi vừa chào đời thì hoàng nữ hoăng. Cho nên ta muốn sau bữa tiệc này thì các em với ta vào Hoàng-thành chúc mừng phụ hoàng với Thục-phi và chia buồn với Tuyên-phi.

Đoan-Nghi cau mày :

- Em thấy có một sự rất lạ lùng, trong lòng thắc mắc hơn mười tháng qua, mà chưa giải được.

Nghĩa-Thành vương cau mặt :

- Cháu thắc mắc về vụ hai bà phi mang thai phải không ?

- Vâng ! Theo ngự-y Trần-thị Phương-Thanh thì Đỗ Thục-phi thể chất đã yếu đuối, lại muốn giữ cho thân thể mảnh mai, nên bỏ ăn thịt, ăn cá, bỏ không ăn ngọt, thành ra bị tuyệt kinh kỳ, không thể mang thai. Đó là một điều đáng ngờ. Thế rồi đùng một cái, phi khai mang thai. Mẫu hậu sai ngự y Phương-Thanh chẩn mạch để có thể cắt thuốc bổ cho phi, phi từ chối. Đó là hai điều đáng ngờ. Tuyên-phi Thụy-Hương là người luyện võ, khí huyết sung thịnh, khi phi có thai, hàng tháng Ngự-y Phương-Thanh vào chẩn mạch, thấy thai rất khỏe, rất lớn. Nay Tuyên-phi sinh ra một hoàng nữ, suy nhược, rồi chết ngay, trong khi Thục-phi lại sinh ra một hoàng nam khá lớn, cơ thể khỏe mạnh. Đó là ba điều đáng ngờ ! Cháu nghi, Thục-phi giả mang thai, rồi khi lâm bồn, thì lấy con chủa Tuyên- phi, nói là con mình, sau đó đem một đứa con gái dân dã giết đi, mà nói là con của Tuyên-phi. Cháu chỉ nghi thôi, vì Tuyên-phi là người cương cường, võ công cao, văn tài xuất chúng, đời nào Tuyên-phi chịu cho Thục-phi bắt con mình ?

Long-Xưởng kinh ngạc:

- Đây là những nghi vấn rất lớn ! Thế muội đã tâu với mẫu hậu chưa ?

- Chưa ! Nhưng em chắc mẫu hậu cũng nghi như em. Không biết thi hài hoàng nữ đã đưa về Đình-bảng an táng chưa ?

- Rồi !

Long-Xưởng đáp : Ngay sau khi hoàng nữ hoăng, thì phụ hoàng cho tẩm niệm, sáng nay đưa về Đình-bảng chôn cất.

Đến đó, một tá lĩnh Khu-mật viện xin vào trình lên Nghĩa-Thành vương một văn kiện mật, khẩn cấp.

Long-Xưởng truyền cho vào. Nghĩa-Thành vương cầm lấy đọc, thì ra một phúc trình của phủ thừa Thăng-long về ba vụ án mạng xẩy ra một lúc. Vương đọc cho cử tọa nghe :

- Vụ thứ nhất là đêm qua, vợ một viên quan tại ty Thương-bạc mới ở cữ hai ngày bị gian nhân đột nhập giết chết, đứa con gái sơ sinh bị bắt mang đi mất tích.

Tất cả mọi người đều rúng động. Kiến-Tĩnh vương than :

- Rất có thể vụ án này liên quan đến việc Tuyên-phi sinh hoàng nữ, rồi hoăng ngay không ?

Không ai trả lời được. Nghĩa-Thành vương tiếp :

- Vụ án thứ nhì, và thứ ba, là hai bà mụ đỡ đẻ cho Tuyên-phi, Thục-phi, sau khi về đến nhà, thì mệt quá, ngủ thiếp đi, rồi qua đời.

Long-Xưởng bảo Kiến-An vương Long-Đức :

- Em hiện là Long-thành tiết độ sứ, vậy em hãy đích thân chỉ huy Thị-vệ điều tra cho ra vụ này.

Nghĩa-Thành vương can :

- Cái vụ hoàng huynh ta sinh hoàng nam, hoàng nữ, kẻ sống, người chết là chuyện nhỏ, không đáng cho chúng ta bận tâm. Để chú cho Khu-mật viện thụ lý vụ này. Điều quan trọng nhất là việc chúng ta phải dồn hết tâm huyết vào cuộc ra binh tối quan trọng đã

Long-Xưởng viết một đạo chỉ dụ, sai thân binh trao cho Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân Tăng Quốc được toàn quyền điều động thị-vệ điều tra.

Tuy Long-Xưởng ban chỉ như vậy, nhưng Tăng Quốc phải bó tay. Bởi một luật đặt ra từ đồi vua Thái-tổ định rằng : Khu-mật viện có toàn quyền trên đất nước, tuy nhiên đối với Hoàng-cung thì phải ngừng lại. Khi một việc gì xẩy ra trong Hoàng-cung, thì chính hoàng đế đích thân điều tra, thẩm cung. Bởi không lẽ thái hậu, hoàng hậu, thứ phi thân phận cao quý biết mấy, mà lại phải ngồi cho các quan của Khu-mật viện vặn hỏi, tra khảo? Long-Xưởng đã diện kiến phụ hoàng nhiều lần, nêu ra những thắc mắc. Nhưng lần nào cũng như lần nào, nhà vua ừ hự, rồi bỏ đấy.

Thấy đây là việc hệ trọng, hoàng hậu phải nhắc nhà vua, thì ngài tỏ vẻ bực mình : « Bọn Long-Xưởng chuẩn bị đánh Tống, rồi nhìn đâu cũng thấy gian tế Tống. Y muốn rắc rối nơi nào thì rắc rối, y không được phép rắc rối với cả những người đầu gối tay ấp của trẫm. Tuổi trẫm đã cao, bao nhiêu- quyền hành trẫm đã trao cho anh em chúng rồi, mà chúng không để cho trẫm yên nữa ! Hậu thử nghĩ xem, Thục-phi tuổi còn trẻ, thì phi sinh ra một hoàng nam khỏe mạnh, đó là chuyện bình thường. Còn như Tuyên-phi, vì phò tá trẫm mà cần lao chính sự quá đáng, nên sinh ra hoàng nữ yếu đuối, rồi hoăng, thì có gì lạ đâu ? Từ khi Long-Trát sinh ra, trong cung bao trùm hòa khí hiếm thấy. Giai-phi Chế-bì La-bút nhận làm mẹ nuôi, sau này sẽ dạy Trát nhi học. Tuyên-phi thì nhận nuôi sữa Trát nhi. Lại còn phu nhân Trịnh Nam-Phương của tể tướng Đỗ An-Di nữa, bà ta luôn ra vào Hoàng-thành chăm lo miếng ăn, sức khỏe cho Tuyên-phi, Thục-phi, Giai-phi . Vậy nếu có dịp, hậu cũng nên dạy dỗ chúng rằng phải giữ chữ hiếu, để cho trẫm an hưởng thanh phúc. Từ nay, trẫm cấm không ai được nhắc đến chuyện này nữa ».

Thế là từ đấy, vụ này bị chìm vào lãng quên. Trong dân chúng, trong quân lữ, ngay cả triều đình, hậu cung đều thì thầm, nói ra, nói vào. Biết bao nghi vấn vẫn bao trùm quanh việc hai phi sinh con, mà không giải được.

Thế rồi cái nghi án ấy biến mất theo thời gian, không ai chú ý đến nữa.

Niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo nguyên niên, bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Thuần-hy nguyên niên đời Tống Hiếu-tông. (DL.1174, Giáp Ngọ).

Kể từ tháng hai, niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ mười hai (DL.1174, Giáp Ngọ), quan Thái-sư Tô Hiến-Thành cùng Tể-tướng Đỗ An-Di, Thái-phó Lý Kính-Tu, Thái-bảo Phí Công-Tín dâng biểu tâu xin nhà vua cải nguyên. Niên hiệu mới là Thiên-cảm Chí-bảo. Trong biểu, các đại thần nêu rõ ý nghĩa : Hoàng đế đã có năm hoàng tử. Trong dân gian, người ta cho rằng năm con trai là ngũ quỷ đầu thai. Nay Thục-phi Đỗ Thụy-Châu sinh thêm hoàng tử Long-Trát, thì đúng là thượng đế cảm ứng (Thiên-cảm) mà ban cho một người con quý (Chí-bảo). Từ khi Long-Trát sinh ra, thì Tuyên-phi Từ Thụy-Hương nhận nuôi sữa, khỏi phải tìm nhũ mẫu. Giai-phi Chế-bì La-bút vốn văn hay, chữ tốt, lầu thông Thi, Thư lại nhận làm nghĩa tử, rồi sau này sẽ dạy học. Thực từ khi lập quốc đến giờ, chưa lúc nào trong nội cung lại có sự hòa hợp của ba vị phi nức tiếng xinh đẹp như vậy. Dĩ nhiên nhà vua hoan hỉ ban chỉ chấp thuận.

Hôm ấy là ngày mùng năm tháng năm, sinh nhật đầy năm của hoàng tử Long-Trát. Long-Xưởng dẫn các em cùng với Thủ-Huy vào Hoàng-thành chúc mừng phụ hoàng với thục phi Đỗ Thụy-Châu. Sau lễ, Long-Xưởng diện tấu với phụ hoàng

- Tâu phụ hoàng, đầu tháng sáu này thì Đại-Kim sẽ đem quân đánh Tống. Tháng bẩy thì Đại-lý tiến quân vào Thục. Còn Đại-Việt ta thì từ lương thảo cho đến bộ binh, thủy binh, kị binh, ngưu binh đều đã chuẩn bị xong. Sang ngày 9 tháng chín thì thủy bộ hai mặt sẽ đồng khởi binh, Bắc tiến, chiếm lại cố thổ. Không biết phụ hoàng có chỉ dụ gì không ?

Cũng như mọi lần, nhà vua ban chỉ :

- Ít năm nay, trẫm thấy trong người không được khỏe, chư sự trẫm trao cho Xưởng nhi với các em. Nhưng này Xưởng nhi, nếu cái việc Bắc tiến thấy thành công thì hãy ra quân. Bằng không, thì chỉ lo giữ lấy đất tổ là quý rồi.

Kiến-An vương tâu :

- Nhất định là thành công. Xin phụ hoàng an tâm.

- Được rồi ! Dường như hôm nay các con đãi yến chư tướng tại Đông-cung phải không ?

- Quả như phụ hoàng ban chỉ.

- Thôi các con hãy về vui với chư tướng.

Anh em Long-Xưởng rời Hoàng-thành trở về Đông-cung. Chư tướng đã tề tựu đông đủ.

Tiệc tàn, Long-Xưởng đứng dậy, hai tay vương xoa vào nhau, nói với chư tướng :

- Hôm nay, cô gia không đem việc dùng binh ra nghị trong buổi triều hội, mà bàn ở đây. Vì cô gia muốn sự việc càng mật càng tốt. Trước hết, cô gia xin loan báo để chư tướng rõ : Phía Bắc, Kim đã khởi binh, họ sẽ ra quân tràn xuống đánh Tống vào tháng sáu này. Sang tháng bẩy, Đại-lý sẽ đem quân vượt Độ- khẩu đánh vào Tứ-xuyên. Còn ta ! Vạn sự cụ bị rồi, ta định sẽ xuất quân vào đầu tháng chín tới.

Vương nói, mà sắc diện hiện ra nét vui mừng vô hạn :

- Khi Kim đánh xuống, thì Tống đã dồn hết tinh lực ra chống với Kim. Trận chiến dằng co, chưa bên nào thắng bên nào. Gữa lúc đó thì Đại-lý đem quân vượt Độ-khẩu đánh vào Tứ-xuyên. Tứ-xuyên không phòng bị, hơn mười thành bị chiếm. Tống phải đem quân Kinh-châu, Hồ-Nam vào cứu Thành-đô. Như vậy hiện Trường-sa, hồ Độïng-đình không còn quân phòng bị. Bây giờ là lúc ta đem quân vượt biên. Tống không còn quân ở Lưỡng-Quảng, Hồ-Nam, ta thành công dễ dàng.

Vương ngừng lại cho cử tọa theo kịp rồi tiếp :

- Hồi sáng, cô gia muốn bàn với chư vị một vài chuyện trước khi ra quân. Song, trước đây, cô gia với Thái-úy Thủ-Huy suýt mất mạng mấy lần, vì xung quanh ta có con rắn độc. Mà cho đến nay ta chưa tìm ra. Vì vậy ta mới phải nghị sự mậït với nhau ở đây. Trước hết thúc phụ cho biết tình hình binh lực Tống tại Nam-thùy.

Nghĩa-Thành vương đứng dậy :

- Dường như tế tác Tống không biết gì về cuộc chuẩn bị ra quân của ta. Hoặc giả họ biết, nhưng khi tâu về triều, thì triều đình không tin, do kết quả của sứ đoàn Ngu Doãn-Văn, Tần Hy. Vì vậy, Tống dồn hết lực lượng về Bắc để đối phó với Kim. Họ lại cũng dồn binh về phía Nam Tứ-xuyên để chống Đại-lý. Cho nên suốt vùng Quảng-Tây, Quảng-Đông, họ không có binh triều, mà chỉ có binh các châu, cùng Bảo-binh (dân quân).

Ông ngừng lại, đưa mắt nhìn Kiến-Ninh vương :

- Về thủy quân, tại Khâm-châu, Quảng-châu, Tống chỉ có một hạm đội, khoảng 300 chiến thuyền, đa số cũ kỹ, khó có thể vượt biển ra khơi. Binh sĩ thì không được luyện tập. Bộ binh, họ có một đạo binh Quảng, đóng ở Quảng-châu, khoảùng một vạn người. Tuy nhiên tại vùng bờ biển Ôn-châu, thì họ có một hạm đội, mang tên Nam-hải, với 600 chiến thuyền mới. Tại Kinh-châu, Hồ-Nam, họ có hạm đội Kinh-Hồ, trên 700 chiến thuyền, sang tháng bẩy, khi Đại-lý đánh Tứ-xuyên, thì Tống sẽ đem hết quân ở đây vào cứu viện. Binh sĩ thuộc hai hạm đội Nam-hải, Kinh-Hồ được luyện tập rất thiện chiến. Tuy nhiên so với thủy quân của ta, thì Tống thua xa. Nếu như khi ta đổ quân vào Khâm, Liêm, thì phải đề phòng hạm đội Nam-hải có thể di chuyển xuống tham chiến trong vòng 45 ngày.

Ông nhìn Thủ-Huy :

- Tại 18 ải dọc biên thùy, trước kia quân Quảng, Bảo-giáp của họ được luyện tập rất tinh thục. Nhưng từ khi sứ đoàn Ngu Doãn-Văn, Tần Hy về, họ lơ là, đồn ải không được tu bổ, binh sĩ thì biếng nhác, vũ khí không được bổ xung. Hiện họ chỉ có hai đạo binh Quảng đóng ở Ung-châu với Côn-lôn, tổng số khoảng hai vạn người.

Long-Xưởng hỏi Thủ-Huy :

- Trước tình hình như vậy, nhị đệ định tiến quân như thế nào ?

Thủ-Huy đứng dậy cung tay hướng Nghĩa-Thành vương với Long-Xưởng :

- Kim sẽ ra quân vào tháng 6, Đại-lý ra quân vào tháng 7. Ta sẽ ra quân vào giữa tháng 9 này. Chúng ta chỉ còn có bốn tháng nữa mà thôi. Trong bốn tháng này, ta thừa sức di chuyển các hiệu binh về phía Bắc, các hạm đội về căn cứ Đồn-sơn. Trong buổi mật nghị hôm trước, chúng ta đã tâu chi tiết lên phụ hoàng, người đã chuẩn tấu, và tuyên chỉ giao cho huynh trưởng. Vậy bây giờ huynh trưởng nhắc lại một lần nữa : Chủ đích cuộc ra quân ? Chúng ta tiến đến đâu ? Tổ chức cai trị ra sao ? Như vậy các tướng mới biết mà thi hành.

Long-Xưởng đứng dậy, vẻ mặt cực kỳ nghiêm trọng, mắt sáng ngời :

- Ta khởi binh để chiếm lại đất tổ đã bị Trung-quốc chiếm mất. Khởi thủy của tộc Việt ta từ khi vua Minh, cháu đời thứ tư vua Thần-Nông vân du Nam-phương, kết hôn với tiên nữ ở Ngũ-lĩnh, mà sinh ra quốc tổ Lộc-Tục. Ngài truyền ngôi cho con trưởng là vua Nghi làm vua phương Bắc, con thứ là Quốc-tổ Lộc-Tục làm vua phương Nam, lấy núi Ngũ-lĩnh làm cương giới. Ngài di chỉ cho hai con rằng : Nay ta chia Thiên-hạ làm hai, từ Ngũ-lĩnh về Bắc trao cho Nghi làm vua. Từ Ngũ-lĩnh về Nam trao cho Lộc-Tục làm vua. Tuy phân biệt Bắc, Nam, nhưng đều gốc từ ta. Hai con phải dặên con cháu, đời đời thương yêu nhau, Bắc chẳng xâm Nam, Nam chẳng lấn Bắc. Kẻ nào làm trái lời ta, thì đời đời tuyệt tử tuyết tôn, bản thân chết không toàn thây. Ngài lại lập đài trên ngọn núi nhỏ bên bờ Tương-giang, tế cáo trời đất, xin thần linh chứng cho cuộc truyền ngôi này. Từ đấy Bắc thành Trung-nguyên, Nam thành Văn-lang. Thái-tử Lộc-Tục lên làm vua hiệu là Kinh-Dương lập ra triều đại Hồng-bàng. Ngọn núi nhỏ đó các đời sau gọi là Thiên-đài. Trên đỉnh Thiên-đài có đền thờ các vua triều đại Thần-Nông cho tới vua Minh, vua Nghi, vua Kinh-Dương.

Đô thống Lê Minh, chỉ huy hiệu Thiên-tử binh Ngự-long hỏi :

- Khải điện hạ, không biết di tích này nay có còn không ?

- Còn ! Vào thời Lĩnh-Nam, khi Thuần-chính hoàng thái hậu Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy cuôc rút quân khỏi Trường-sa, hồ Động-đình, người ra lệnh cho Hổ-nha đại tướng quân Đào Hiển-Hiệu đem một đạo quân phục ở Thiên-đài cản hậu, đợi khi quân Việt rút hết rồi mới rút sau. Khi đem quân lên đây, Đào tướng quân kể lại nguồn gốc Thiên-đài cho chư quân nghe. Chư quân cương quyết tử thủ giữ đất tổ chứ không chịu lui. Vì vậy khi tướng Hán là Lưu Long đem quân truy quân Việt tới Thiên-đài, thì gặp phải sức kháng cự kinh khủng của đạo quân Đào Hiển- Hiệu, đến nỗi vua Quang-Vũ nhà Hán phải đích thân vượt Trường-giang xuống đốc chiến. Sau hai ngày giao tranh, toàn bộ đạo quân của Đào Hiển-Hiệu bị hy sinh, quân Hán chết đến mấy vạn. Cho nên sau này, cạnh đền thờ Thần-Nông còn có ngôi đền thờ anh hùng Đào Hiển-Hiệu cùng chư quân tướng tuẫn tiết hồi đó. Hiện nay, đền thờ Quốc-tổ vẫn còn đôi câu đối, do tiến sĩ Chu Minh-Văn đời Đường soạn, như sau :

Thiên-đại đại đại phân Nam Bắc,

Lĩnh-địa niên niên dữ Việt Thường.

Nghĩa là :

Núi Thiên-đài này là nơi phân chia địa giới Hoa, Việt.

Ngọn núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác vẫn tồn tại với dân Việt.

Ghi chú của thuật giả:

Muốn biết về trận đánh kinh khủng này vào thời vua Trưng, xin đọc Cẩm-khê di hận của Yên-tử cư sĩ, do Nam-á Paris xuất bản, gồm 4 quyển.

Vương ngừng lại uống một hớp nước rồi tiếp :

- Tại đền thờ Hổ-nha đại tướng quân cùng với quân tướng tuẫn quốc có đôi câu đối :

Nhất kiếm Nam hồ kinh Vũ đế,

Thiên đao Bắc lĩnh trấn Lưu Long.

Nghĩa là :

Một thanh kiếm của nữ vương Phật Nguyệt ở phía Nam hồ Động-đình làm cho vua Quang-Vũ nhà Hán kinh sợ.

Một nghìn tay đao ở Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long.

Long-Xưởng nhìn chư tướng một lượt, rồi tiếp :

- Khi chư tướng đánh lên Ngũ-lĩnh, trên đường tấn công Trường-sa, sẽ qua núi Thiên-đài, được viếng di tích khai quốc của tộc Hoa và tộc Việt, cùng lễ Hổ- nha đại tướng quân và chư quân tướng đã hy sinh vào thời Lĩnh-Nam.

Chư tướng vỗ tay hoan hô.

Long-Xưởng tiếp :

- Chúng ta trở lại với nước Văn-lang. Triều đạ