Chương 2: Biến cố cuộc đời

Gia đình tôi cũng được xem như là gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội tôi tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bố tôi lại tham gia cuộc chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vậy nên từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với cuộc sống, kỷ cương trong quân đội. Tôi tên Vũ Đức Thiên, là một tên to gan lớn mật, từ trước đến nay không biết đến hai từ “run sợ”.

Tôi cũng đã từng tham gia cuộc chiến tranh Việt – Trung năm 1979, một cuộc chiến tranh ngắn nhưng rất khốc liệt. Trong cuộc chiến, tôi với tư cách là một tiểu đội trưởng, chỉ huy tiểu đội 245 phòng ngự tại cầu Ka Long, Móng Cái đã chứng kiến sự ngã xuống anh dũng của không biết bao nhiêu đồng chí đồng đội. Trung Quốc có hỏa lực và quân đội tinh nhuệ, quân ta khi bắn pháo cối vào những cứ điểm của địch phải lập tức thay đổi vị trí vì họ có khả năng phát hiện mục tiêu rất tốt. Có lần 14 đồng chí đã ngã xuống vì sự liều lĩnh của tôi. Thấy quân địch đang hoảng loạn, tôi ra lệnh cho các anh em lao từ căn hầm trú ẩn ra tiến thẳng đến vị trí của chúng. Khi chúng tôi chưa kịp tiến đến, quân địch bỗng nhiên ổn định, chúng quay họng súng, xối xả bắn về phía chúng tôi. Khi tôi nhận ra vấn đề, một vài chiến sĩ đi đầu đã ngã xuống. Tôi lập tức hò hét các đồng đội còn lại mau trở về hầm trú ẩn nhưng đã muộn, tất cả mọi người đều ngã xuống sau tiếng nổ inh tai phát ra từ khẩu súng cối 60 [1]. Đầu óc tôi choáng váng, nằm bất động trên mặt đất, toàn thân tê liệt, chỉ còn bộ não vẫn hoạt động. Một thoáng suy nghĩ trong đầu: “Lần này chết chắc rồi”. Nhưng tôi cũng làm sao dám nhìn mặt anh em đồng chí đồng đội dưới suối vàng, những người đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu với tôi. Chỉ vì một phút hiếu chiến tôi đã làm mất đi mười bốn anh em”. Tôi nằm im nhìn lên bầu trời bị nhuộm đen bởi màu thuốc súng. Đúng lúc đó, tôi cảm thấy cơ thể mình được nâng lên, trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê tôi nhẹ nhàng “A” lên một tiếng.

Tôi tỉnh dậy trong bệnh viên quân khu, nhìn lên trần, lòng mông lung không biết đang suy nghĩ điều gì. Có tiếng mở cửa, tôi ngẩng đầu lên nhìn, Hải “chột” đang lại gần, một tay cầm hộp cơm, tay kia băng bó chằng chịt, trên môi nở nụ cười hiền hòa. Hải “chột” tên thật là Trần Hải Huy từ nhỏ đã sống cùng tôi trong quân đội, bố cậu ta là cấp dưới của cha tôi, chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt máu mủ.Hải Huy có cái biệt danh này là xuất phát từ tài bắn súng bách phát bách trúng của cậu ta. Khi bắn súng, để đạt được độ chính xác, người bắn thường nhắm một mắt lại. Để đạt đến mức thành thục, Hải Huy đã kiên trì buộc một miếng vải vào mắt trái trong suốt quá trình rèn luyện. Lúc đó, trông cậu ta như một tên chột “xịn” nên chúng tôi bắt đầu đặt biệt danh Hải “chột” cho cậu ta từ đó.

Tính tình Hải Huy cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo, cũng là một kẻ có lá “gan trời”, được xưng là Xạ Vương trong quân đoàn tôi vì tài bắn súng. Lúc còn bé, có lần tôi đã cãi lại tên tiểu đội trưởng bởi cậu ta nhiều lần làm khó tôi, do tôi được coi như “hoàng tử cho trong quân”, cãi vã căng thẳng đến độ tôi đã đấm thẳng vào mặt hắn, dẫn đến bị xử phạt. Hải Huy lúc đó có mặt làm chứng, nhưng lại bao che khuyết điểm cho tôi, cuối cùng bị phát hiện, cả hai thằng bị phạt chạy bộ 10 vòng quanh sân quân khu (lúc đó quân khu tôi khá rộng, một vòng cũng cỡ tầm 3km).

Huy đã hoàn thành hình phạt của cậu ta (cậu ta chạy 30 vòng), giữa trưa nắng gắt, Hải Huy có thể đi ăn cơm nhưng Huy vẫn đợi tôi. Tôi chạy đến vòng thứ 8, mệt đến mức ngã quỵ không thể chạy tiếp, thấy thế cậu ta lao ra giúp tôi, cũng vì thế Hải Huy lại bị phạt thêm 2 vòng. Tôi vừa cười, vừa mếu máo do quá sức, nói giọng trách móc: “Con mẹ tên chột nhà cậu, sao phải giúp tôi làm gì?” Hải Huy cười, nụ cười của tình anh em mà mãi mãi tôi không thể quên, đoạn nói: “Tớ ăn trước cũng chẳng ngon vì chẳng có tên nào tranh cướp đồ ăn của tớ”. Nghe được câu nói, mắt tôi cay cay, ôm chầm cậu ta, vỗ liên tục vào tấm lưng dài rộng săn chắc ấy. Bây giờ, nghe cậu ta kể lại thì cái tên chột khốn kiếp này lại cứu tôi một mạng trên chiến trường, vì lao ra kéo tôi trở lại hầm mà đã bị trúng một viên đạn vào vai phải. Cuộc chiến kết thúc, tôi bị đuổi khỏi quân đội vì đã làm hi sinh tính mạng của mười mấy đồng chí, Hải Huy bị thương ở vai phải, nếu muốn cầm súng ra chiến trận thì cũng phải tĩnh dưỡng vài ba tháng cho vết thương khôi phục hoàn toàn.

Ngay sau khi biết tin tôi rời quân đội, cậu ta cũng viết đơn lên xin cấp trên được rời quân ngũ với lí do là sợ di chứng của cánh tay trúng đạn, cả đời này sợ không cầm nổi súng nữa. Không nói thì ai cũng biết, Hải Huy cũng vì tôi mà rời quân ngũ. Cũng chính vì vậy, mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy có lỗi với cậu ta, bởi những việc làm mà tôi sắp làm tiếp sau đây đã kéo Hải chột vào một vòng xoáy lòng vòng, nguy hiểm.

[1] Cối, hay pháo cối, là một loại trong bốn loại hoả pháo cơ bản của pháo binh (pháo nòng dài, lựu pháo, pháo phản lực và súng cối).Đặc điểm của súng cối là pháo nòng nhẵn không có khương tuyến, quỹ đạo bắn là một hình cầu vồng có góc bắn (góc giữa mặt phẳng ngang và trục nòng pháo) rất lớn (trên 45 độ), quỹ đạo hình cầu vồng dựng đứng hay người ta thường nói là bắn theo kiểu đạn treo.