Chương 6: 1984 (nineteen Eighty-four) - Chương 6

Lúc ấy vào giữa buổi sáng và Winston đương rời ô phận ra phòng vệ sinh.

Một bóng cô đơn đi về phía anh từ cuối hành lang sáng chói. Đó là cô gái tóc đen. Bốn ngày đã trôi qua từ bữa anh gặp cô ta ngoài tiệm đồ cổ. Khi cô ta lại gần hơn, anh thấy cánh tay phải của cô bị băng chéo, lúc ở xa anh không để ý vì tấm băng đồng màu với bộ quần áo liền quần của cô. Có lẽ cô ta bị rập tay khi loanh quanh một trong mấy cái ống kính vạn hoa to lớn dùng để soạn thảo cốt truyện. Đó là một tai nạn thường xảy ra tại Cục Truyện.

Họ đang cách nhau khoảng bốn thước thì cô gái trợt sẩy chân ngã gần úp mặt vào sàn. Cô ta thốt lên một tiếng rên nhọn. Chắc cô ta ngã vào bàn tay bị thương. Winston dừng chân ngay lại. Cô gái đã quỳ dậy. Mặt cô ta hơi vàng kem làm nổi bật đôi môi đỏ hơn bao giờ hết của cô. Mắt cô ta nhìn chòng chọc vào mắt anh ra chiều kêu gọi với vẻ sợ hãi nhiều hơn là đau đớn.

Một cảm giác là lạ xao xuyến tim Winston. Trước mặt anh là một kẻ thù đương tìm cách giết anh: trước mặt anh cũng là một con người đang đau đớn và có thể đã bị gẫy xương. Chưa chi anh đã theo bản năng tiến về phía cô ta. Ngay lúc anh thấy cô ta ngã vào cánh tay bị băng, dường như anh cảm thấy đau trong chính người anh.

"Cô có bị thương không ?" anh hỏi.

"Không hề chi. Cánh tay tôi. Một khắc nữa nó lại như thường bây giờ," cô ta nói như thể tim cô phập phồng. Mà thực, mặt cô ta xanh hẳn lại.

"Cô có bị gẫy gì không ?"

"Không. Tôi không sao. Bị đau một hồi, thế thôi."

Cô ta giơ bàn tay lành về phía anh và anh đỡ cô ta dậy. Cô ta đã hơi hoàn sắc và có vẻ khá hơn nhiều.

"Không hề gì," cô ta nhắc xẵng lại. "Tôi chỉ bị chạm một chút vào cổ tay thôi. Cám ơn đồng chí."

Rồi cô ta tiếp tục đi về phía đang đi, nhanh nhẹn như thể thực sự không có gì. Toàn việc xảy ra không quá một nửa phút. Không để tâm tư hiện ra trên mặt là một thói quen đã trở thành tính tự nhiên, vả lại khi sự kiện xảy ra họ ở trước máy truyền hình. Tuy sao, khó lòng Winston không lộ một vẻ ngạc nhiên chốc lát, vì trong thời gian hai ba giây anh đỡ cô gái dậy, cô ta đã dúi một vật gì đó vào tay anh. Không nghi ngờ gì được, cô ta đã cố ý làm như vậy. Đó là một vật nhỏ bẹt. Khi anh qua cửa vào phòng vệ sinh, anh đút nó vào túi và lấy ngón tay dò dẫm nó. Đó là một mảnh giấy gấp làm tư.

Đứng trước chỗ tiểu tiện anh sờ soạng tờ giấy thêm một chút để giở nó ra. Thế nào cũng có tin nhắn viết trên đó. Một lúc anh toan chạy vào chuồng xí để đọc nó tức thì. Nhưng đấy là một hành động hết sức điên rồ, như anh thừa biết. Không nơi nào chắc chắn có máy truyền hình dòm ngó liên tục hơn nơi này.

Anh trở về ô phận, ngồi xuống, thung dung vất mảnh giấy vào giữa các tờ giấy khác trên bàn, đeo kính lên và kéo máy ghi âm về phía mình. "Năm phút", anh tự nhủ, "ít nhất năm phút nữa". Tim anh đập to dễ sợ trong lồng ngực anh. Cũng may công việc anh đang làm chỉ là việc thông thường, phải cải chính một bảng số, không cần lưu ý tới lắm.

Dù điều gì được ghi trên giấy chăng nữa, thế nào nó cũng có một ý nghĩa chính trị. Theo như anh biết chỉ có hai trường hợp. Một là, có lẽ trúng hơn, cô gái là một nhân viên của Cảnh Sát Tư Tưởng, đúng như anh sợ. Anh không hiểu tại sao Cảnh Sát Tư Tưởng lại chọn cái lối ấy để truyền tin, nhưng anh chắc họ có lý do của họ. Điều được viết trên tấm giấy có thể là một câu dọa nạt, một lời cảnh cáo, một lệnh bảo anh tự tử, một bẫy tả ra sao đó. Nhưng có một giả thuyết khác, rồ dại hơn, hiện lên trong óc anh, mặc dầu anh cố tình dẹp nó. Đó là thuyết mẩu tin không phải của Cảnh Sát Tư Tưởng chút nào mà là của một cơ quan ngầm nào đó. Biết đâu Hội Tình Thân cuối cùng có thực ! Biết đâu cô gái có chân trong đó ! Ý nghĩ này hẳn là vô lý nhưng nó nảy ngay trong óc anh khi anh xúc giác mảnh giấy trong tay anh. Chỉ hai phút sau anh mới liên tưởng tới sự giải thích sát thực hơn kia. Và ngay bây giờ, tuy lý trí anh bảo anh mẩu tin kia đồng nghĩa với cái chết — anh vẫn không tin thế, niềm hy vọng trái lẽ cứ tồn tại, tim anh cứ đánh trống ngực và anh khó giữ cho giọng nói khỏi run khi anh thì thầm những con số mới bịa ra trong máy ghi âm.

Anh cuốn bó tài liệu đã hoàn tất và nhét nó vào ống hơi. Tám phút đã qua. Anh sửa lại cặp kính trên mũi, thở dài, rồi kéo về phía anh sấp văn kiện kế tiếp có mẩu giấy nằm ở trên. Anh trải nó ra. Trên mặt giấy, bằng một nét chữ nguệch ngoạc được viết:

Tôi yêu anh

Trong vài giây anh quá bàng hoàng không vứt ngay vật lụy thân vào lỗ ký ức. Khi vứt nó, mặc dầu anh quá rõ mối nguy của sự tỏ quan tâm, anh không cầm mình khỏi sự đọc lại nó một lần nữa, để tin chắc rằng giòng chữ kia có thật.

Buổi sáng còn lại, làm việc đối với anh thật khó. Khổ hơn sự phải chăm chú vào một loạt việc vô nghĩa là sự cần giấu không cho máy truyền hình thấy nỗi bồn chồn trong anh. Anh có cảm tưởng lòng anh rực cháy. Ăn trưa trong quán cơm đông nghẹt là cả một cực hình. Anh hy vọng được ở một mình đôi chút trong thời gian ăn, nhưng xúi quẩy làm sao cái tên Parsons đần độn đến thả mình cạnh anh, mùi nồng của mồ hôi anh ta át hẳn mùi tanh của món canh trong khi anh ta thao thao bất tuyệt về chuyện sửa soạn Tuần Lễ Hận Thù. Anh ta đặc biệt hoan hỷ về một mô hình đầu Bác làm bằng giấy nhàu rộng hai thước sẽ do Đoàn Gián Điệp của con gái anh tạo thành nhân dịp đó. Bực một cái là giữa tiếng ồn ào Winston không nghe được rõ Parsons nói gì, cứ phải luôn luôn bảo anh ta nhắc lại mấy lời phán xét khờ dại của anh ta. Đúng một lần anh bắt gặp tia nhìn của cô gái ngồi cùng hai thiếu nữ khác tại một bàn ở tận cuối phòng. Cô ta làm như không trông thấy anh và anh không nhìn lại về phía cô nữa.

Buổi chiều dễ chịu đựng được hơn. Ngay sau bữa trưa anh được lãnh một công việc khó khăn tế nhị, phải tốn nhiều giờ và gác mọi việc khác lại mới hoàn thành nổi. Đó là việc giả mạo một loạt bài báo cáo về mức sản xuất hai năm về trước ngõ hầu hạ uy tín của một nhân vật to đầu thuộc Đảng Trong nay bị thất sủng. Đây là sở trường của Winston, và trong hơn hai tiếng anh loại được hình ảnh của cô gái khỏi óc anh. Sau đó gương mặt cô lại hiện ra trong ký ức anh, cuốn theo một sự thèm muốn được ở một mình dữ dội không chịu nổi. Không ở yên một mình anh không thể suy nghĩ được gì về diễn cảnh mới lạ này. Tối nay là một trong những tối anh phải có mặt tại Trung Tâm Cộng Đồng. Anh nuốt thêm một bữa cơm vô vị tại quán ăn trong sở, chạy nhanh tới Trung Tâm, tham gia trò hề trịnh trọng của một "nhóm thảo luận", đánh hai ván bóng bàn, nốc mấy cốc rượu gin và ngồi một nửa tiếng nghe một bài diễn văn về "Mối quan hệ giữa Anh Xã và cờ tướng". Tâm hồn anh run lên vì chán ngán, nhưng được cái lần này anh không có xung lực tránh buổi họp tại Trung Tâm. Trước mấy chữ Tôi yêu anh lòng ham sống đã trào dậy trong anh, khiến sự liều lĩnh vì chuyện nhỏ nhặt bỗng trở thành ngu xuẩn. Mãi tới hai mươi ba giờ, khi anh về tới nhà và lên giường ngủ — trong bóng tối, nơi anh được an ninh, ngay máy truyền hình anh cũng không sợ nếu anh giữ im lặng — anh mới được phép suy nghĩ liên hồi.

Vấn đề anh phải giải quyết là một vấn đề cụ thể: làm sao liên lạc được với cô gái và dàn xếp được một cuộc gặp gỡ với cô. Anh không còn đặt giả thuyết cô ta ghim bẫy anh nữa. Anh biết không phải thế, căn cứ trên sự dao động không thể lầm được của cô khi cô đưa mẩu thư cho anh. Rõ ràng cô ta sợ hãi quá sức, như đúng lẽ cô phải sợ. Mà ý nghĩ khước từ bước cầu thân của cô cũng không hề thoáng qua óc anh. Mới năm đêm trước anh còn chiêm niệm việc lấy đá đập vào sọ cô, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Anh tưởng tới tấm thân trần truồng trẻ trung của cô như anh đã thấy trong giấc mơ. Anh đã nghi sai cô là một kẻ rồ dại như tất cả đám chúng, óc đầy dối trá và hận thù, lòng cứng như băng. Anh lên cơn sốt với ý nghĩ anh có thể mất cô, tấm thân trắng trẻ có thể lướt xa anh. Điều anh sợ hơn hết là cô có thể đổi ý nếu anh không tiếp xúc mau với cô. Nhưng sự khó khăn thể chất của một cuộc gặp mặt thật lớn lao. Tựa như sự kiếm cách tiến quân cờ khi đã bị chiếu tướng. Quay về phía nào cũng có máy truyền hình dòm ngó. Thực ra, mọi cách liên lạc với cô đã hiện ra trong óc anh nội năm phút sau khi đọc bức thư; nhưng bây giờ có thì giờ suy nghĩ anh kiểm điểm lại từng cách như thể xếp một hàng khí cụ trên bàn.

Hiển nhiên kiểu gặp gỡ hồi sáng không thể lập lại được nữa. Nếu cô gái làm việc tại Cục Văn Khố sự thể tương đối giản dị hơn, nhưng anh chỉ có một ý niệm mơ hồ về vị trí trong tòa nhà của Cục Truyện và anh lại không có cớ để tới đó. Nếu anh biết chỗ ở của cô và giờ cô rời sở, anh có thể kiếm cách gặp cô trên đường về; nhưng lò dò theo cô về nhà không ổn vì như vậy nghĩa là phải lảng vảng ngoài Bộ, một việc thế nào cũng bị để ý đến. Còn chuyện gửi thư cho cô qua bưu điện không cần bàn đến. Theo một lệ thường chẳng có chi là bí mật, thư nào qua bưu điện cũng bị mở ra đọc. Thật ra, ít ai viết thư. Vì với những tin thỉnh thoảng cần gửi, đã có thiệp in sẵn gồm cả hàng câu, chỉ gạch câu không thích ứng đi là xong. Vả lại anh không biết tên cô gái, huống chi địa chỉ của cô. Cuối cùng anh định rằng nơi an toàn nhất là quán ăn trong sở. Nếu anh gặp được cô ngồi bàn một mình, tại khoảng giữa phòng ăn, không quá gần máy truyền hình, với tiếng rì rào xung quanh đủ lớn — nếu những điều kiện đó kéo dài độ hai mươi giây, anh có thể trao đổi vài lời với cô.

Một tuần sau đó, đời sống anh trôi như một giấc mộng chập chờn. Ngày hôm sau cô gái chỉ xuất hiện tại quán ăn khi anh rời quán và khi tiếng còi đã thổi. Chắc hẳn cô bị đổi sang toán làm việc sau. Họ qua mặt nhau không một cái nhìn. Hôm sau nữa cô gái tới quán ăn vào giờ thường lệ, nhưng đi cùng với ba cô khác và ngồi ngay dưới một máy truyền hình. Rồi trong ba ngày khủng khiếp kế tiếp cô không xuất hiện chút nào. Cả tâm hồn lẫn thể xác Winston hình như mắc phải một chứng nhạy cảm ghê gớm, một tính thấu suốt khiến mỗi cử chỉ, mỗi tiếng động, mỗi sự đụng chạm, mỗi lời phải nói phải nghe trở thành một nhục hình. Ngay trong giấc ngủ anh cũng không thoát được hình ảnh cô gái. Anh không rờ tới nhật ký trong những ngày đó. Nếu có khuây khỏa thì có vào lúc anh làm việc, khi ấy anh có thể thỉnh thoảng quên mình trong mười phút liền. Anh hoàn toàn không làm sao biết được cô gái ra sao. Anh không có cách nào hỏi thăm cô. Có thể cô bị hóa hơi, có thể cô đã tự tử, có thể cô bị thuyên chuyển đi cuối chân trời Đại Dương: và khổ hơn nữa và có lẽ đúng hơn nữa, có thể cô đã đổi ý và quyết định tránh mặt anh.

Ngày sau đó, cô gái xuất hiện trở lại. Cánh tay cô không còn bị băng chéo nhưng cổ tay cô bị cuốn băng dính. Được thấy cô, anh nhẹ nhõm nhiều đến nỗi không ngăn được mình nhìn thẳng vào cô mấy giây liền. Ngày hôm sau anh suýt nói chuyện được với cô. Khi anh tới quán, cô đang ngồi khá xa tường, hoàn toàn một mình. Lúc ấy còn sớm, quán chưa đông người. Đuôi xếp hàng tiến dần và Winston gần tới quầy hàng thì phải dừng chân hai phút vì trước anh có người kèo nhèo bởi không được phát thẻ đường tinh. Nhưng cô gái vẫn ngồi một mình khi Winston bê mâm lên bắt đầu bước về phía bàn cô. Cô chỉ còn cách anh độ ba thước. Còn hai giây nữa là xong. Đúng lúc ấy có tiếng kêu gọi anh: "Smith !" Anh giả vờ không nghe thấy. "Smith !", tiếng kêu tiếp tục to hơn. Không cách nào thoát. Anh quay lại. Một thanh niên tóc vàng, có bộ mặt ngốc nghếch tên là Wilsher, chỉ quen sơ anh, đang tươi cười mời anh ngồi tại một chỗ trống cạnh anh ta. Từ chối không ổn. Đã bị nhận diện, anh không thể đến ngồi tại bàn một cô gái cô độc. Làm thế quá lộ. Anh ngồi xuống với với một nụ cười thân thiện. Mặt người thanh niên tóc vàng ngờ nghệch nở tươi nhìn anh. Winston có ảo giác thấy mình cầm cuốc bổ mạnh vào giữa khuôn mặt ấy. Vài phút sau bàn cô gái đầy người.

Nhưng chắc cô đã thấy anh đi về phía cô và có lẽ cô đã hiểu ý anh. Ngày hôm sau anh lo đến sớm. Gần như đương nhiên, cô gái ngồi tại một bàn ở khoảng chỗ cũ, và lại ngồi một mình. Người xếp hàng ngay trước anh là một người vóc bọ hung, nhỏ bé, nhanh nhẹn, có mặt phẹt và mắt ti hí đa nghi. Khi Winston bê mâm rời quầy hàng, anh thấy người đàn ông nhỏ bé đi thẳng về phía bàn cô gái. Hy vọng của anh lại chìm xuống. Có một chỗ vắng ở một bàn xa hơn, nhưng có cái gì trong dáng điệu của người nhỏ bé gợi ý hắn ta quá quan tâm đến tiện nghi bản thân thế nào cũng chọn cái bàn trống người nhất. Winston bước theo hắn với con tim giá băng. Không lợi ích gì nếu anh không được gặp cô gái một mình. Vừa lúc đó một tiếng ầm vang. Người đàn ông nhỏ bé nằm thưỡn chân thẳng cẳng, mâm hắn bị hất tung, khiến hai dòng canh và cà phê chảy lăn trên sàn. Hắn vừa kéo người dậy vừa hằn học nhìn Winston, hiển nhiên ngờ anh đã quèo chân hắn. Nhưng không sao. Năm giây sau, Winston ngồi tại bàn cô gái.

Anh không nhìn cô. Anh bỏ thức ăn ra khỏi mâm và vội bắt đầu ăn. Tối quan trọng là nói chuyện ngay trước khi có ai lại, nhưng lúc này một mối khiếp sợ xâm nhập Winston. Đã một tuần qua từ ngày cô bắt liên lạc với anh. Có thể cô đã đổi ý, chắc chắn cô đã đổi ý ! Chuyện này không thể kết cục tốt đẹp được; những chuyện tình không thể xảy ra trong đời sống thực tế. Chắc anh đã ngả lòng hẳn, không dám nói gì, nếu lúc đó anh không thấy Ampleforth, nhà thi sĩ có tai lông lá, đang khập khiễng bê mâm quanh phòng tìm một chỗ ngồi. Theo kiểu mơ hồ của ông, Ampleforth quyến luyến Winston, thế nào ông ta cũng đến ngồi cạnh anh nếu ông trông thấy anh. Còn khoảng một phút để hành động. Cả Winston lẫn cô gái đều điềm tĩnh ăn. Chất họ đang ăn là một món canh loảng, đúng ra là canh đậu. Winston bắt đầu lên tiếng thì thầm nhỏ. Cả hai không nhìn lên; họ điềm nhiên múc chất lỏng vào mồm, và giữa hai thìa trao đổi vài lời cần thiết bằng một giọng thấp không nhấn.

"Cô rời sở vào giờ nào ?"

"Mười tám giờ rưỡi."

"Mình có thể gặp nhau ở đâu ?"

"Công Trường Chiến Thắng, gần đài kỷ niệm."

"Chỗ đó đầy máy truyền hình."

"Không sao nếu đông người."

"Dấu hiệu gì không ?"

"Không. Đừng lại gần tôi trước khi tôi ở giữa đám đông. Đừng nhìn tôi. Chỉ ở đâu đó gần tôi."

"Giờ nào ?"

"Mười chín giờ."

"Được."

Ampleforth không nhìn thấy Winston và ra ngồi bàn khác. Họ không nói gì với nhau thêm, và trong chừng mực của hai người ngồi cùng bàn trước mặt nhau, họ không nhìn nhau. Cô gái ăn cơm xong nhanh rồi đi, trong khi Winston ngồi nán lại hút thuốc.

Winston tới Công Trường Chiến Thắng trước giờ hẹn. Anh đi vẩn vơ quanh bệ cột khía rãnh to lớn, trên chỏm có tượng Bác nhìn về phía nam, về phía quãng trời Bác đại thắng phi cơ Âu Á (tức phi cơ Đông Á, mấy năm trước), tại Trận Vùng Một Không Quân. Trên phố trước mặt có dựng tượng một kỵ sĩ được coi là tạc hình của Olivier Cromwell. Đã năm phút quá giờ hẹn mà cô gái chưa xuất hiện. Lại nữa, sự hãi hùng túm lấy Winston. Cô ta không đến, cô ta đã đổi ý ! Anh đi chậm về phía bắc dọc công trường, và cảm thấy một chút thú vị nhẹ khi nhận ra nhà thờ Thánh Martin có thời có chuông reo: "Mày thiếu tao ba trinh". Rồi anh thấy cô gái đứng dưới bệ đài kỷ niệm đang đọc hay giả vờ đọc một tờ yết thị xoắn vòng theo cột tới tận chỏm. Không nên lại gần cô trước khi có nhiều người bu quanh cô. Có đầy máy truyền hình gắn khắp trán tường đài. Nhưng vừa lúc ấy, một tiếng la hét ầm ĩ cùng tiếng nổ của một đoàn xe cộ nặng nề phát ra từ phía trái anh. Bỗng mọi người hình như đều muốn băng qua công trường. Cô gái lanh lẹ cắt lối quanh mấy con sư tử trên bệ đài và gia nhập đám người đang chạy. Winston chạy theo. Vừa chạy anh vừa dựa trên mấy câu bình phẩm hét to mà phỏng đoán có một đoàn xe chở tù binh Âu Á đang qua.

Chưa chi một đám đông đã chắn cả phía nam công trường. Bình thường Winston thuộc loại người lượn ra ngoài mọi nơi chen chúc, nhưng bây giờ anh cũng lấn, cũng đẩy, cũng len mình tiến lên giữa đám đông. Chẳng bao lâu anh chỉ còn cách tầm tay cô gái, nhưng lối đi bị ngăn bởi một gã dân đen to lớn và một người đàn bà đồ sộ chẳng kém, chắc hẳn là vợ anh ta, họp thành một bức tường thịt không xuyên thủng nổi. Winston uốn ngang mình lại và đổ mạnh vai vào giữa họ. Một lúc anh tưởng chừng như tạng phủ anh bị nghiền nát giữa hai bộ hông lực lưỡng, nhưng anh lọt qua họ, chỉ phải đổ mồ hôi đôi chút. Anh đã tới cạnh cô gái. Họ sánh vai nhau đi, mắt cả hai nhìn thẳng về phía trước.

Một dãy dài xe tải, được lính mặt gỗ cầm súng liên thanh đứng canh tại mỗi góc đường, chạy chậm trên phố. Trong xe tải đầy người da vàng nhỏ bé mặc đồng phục xanh lạt cũ rích ngồi xổm khít vào nhau. Gương mặt Mông Cổ buồn bã của họ nhìn qua vành xe hết sức dửng dưng. Thỉnh thoảng khi một chiếc xe xóc, một tiếng kim khí lẻng kẻng bật lên: tất cả tù nhân đều bị đóng cùm chân. Hết xe tải đầy mặt buồn này đến xe tải đầy mặt buồn kia đi qua. Winston biết họ ngồi trong đó, nhưng chỉ cách hồi anh mới thấy mặt họ. Vai cô gái và tay phải của cô tới tận khuỷu tay cọ sát vào anh. Má cô gần anh đến nỗi anh có thể cảm thấy hơi ấm của nó. Cô đã đảm nhiệm ngay tình thế, y như khi ở quán ăn. Cô bắt đầu nói bằng một giọng không nhấn như trước, môi rất ít động đậy thốt ra một tiếng thì thầm dễ lắng chìm trong tiếng nói ồn ào và tiếng nổ của xe tải.

"Anh nghe được tôi không ?"

"Có."

"Anh có thể rảnh chiều chủ nhật không ?"

"Có."

"Nghe kỹ đây. Anh sẽ phải nhớ hết. Hãy lại nhà ga Paddington — "

Với một sự chính xác kiểu nhà binh làm anh ngạc nhiên, cô vạch đường phải theo cho anh. Một nửa tiếng đi tàu hỏa; ra ngoài nhà ga quẹo tay trái; đi dọc đường cái hai cây số qua một cái cổng thiếu thanh trên; một con đường hẹp xuyên cánh đồng; một con đường mòn đầy cỏ mọc; một lối đi giữa bụi rậm; một thân cây chết phủ rêu. Làm như cô có một bản đồ trong óc. "Anh có thể nhớ hết không ?", cô tận cùng thì thầm.

"Có."

"Anh rẽ tay trái rồi tay phải, rồi lại tay trái. Và cái cổng phải không có thanh trên."

"Vâng. Vào giờ nào ?"

"Khoảng mười lăm giờ. Anh có thể phải đợi. Tôi sẽ lại bằng lối khác. Anh có chắc nhớ hết không ?"

"Có."

"Vậy anh xa tôi nhanh, càng nhanh càng tốt."

Cô không cần dặn anh điều này. Nhưng hiện họ không trích ra nổi đám đông. Xe tải vẫn tiếp tục đi qua, dân chúng vẫn há hốc mồm nhìn không biết chán. Hồi đầu có tiếng huýt nhưng chỉ xuất phát từ Đảng viên trong đám đông, và những tiếng ấy ngưng lại liền. Cảm xúc trội nhất là sự tò mò không thôi. Người ngoại quốc, dù là người Âu Á hay Đông Á, là một thứ thú kỳ dị. Dân chúng như không bao giờ được thấy mặt họ trừ phi dưới lốt tù binh, mà ngay tù binh cũng chỉ được thấy thoáng qua thôi. Không ai biết số phận họ sẽ ra sao, ngoài số ít người bị treo cổ dưới danh hiệu tội phạm chiến tranh: những người khác biến mất không hơn không kém, có lẽ bị nhốt trong trại khổ sai. Các khuôn mặt Mông Cổ tròn trịa đã được thay thế bởi những bộ mặt thuộc giống Âu Châu hơn, bẩn thỉu, râu ria, mệt mỏi. Từ trên gò má xồm xoàm mắt họ nhìn vào mắt Winston, có lúc với một cường độ lạ lùng, rồi ngoảnh phắt đi. Đoàn xe sắp qua hết. Trong xe tải cuối cùng anh thấy một ông già có lông xám đầy mặt, đứng thẳng người giơ hai cổ tay bị buộc chéo trước mặt, như thể ông ta quen bị trói. Đã gần tới lúc Winston và cô gái chia tay. Nhưng lát cuối cùng, trong khi đám đông vẫn bao quanh họ, tay cô gái tìm và khẽ siết nhanh tay anh.

Việc này chỉ kéo dài mười giây nhưng anh tưởng chừng tay hai người nắm lấy nhau một lúc lâu. Anh đã có thì giờ học từng chi tiết bàn tay cô gái. Anh thăm dò mấy ngón tay dài, mấy móng tay cong, lòng tay bị cứng vì làm việc nặng nhọc với đường nét chai cục, làn da mềm mại dưới cổ tay. Chỉ sờ vào nó anh cũng hình dung được ra nó. Đồng thời anh nghĩ rằng anh không biết màu mắt cô gái. Chắc nó phải nâu, nhưng người tóc đen cũng có khi có mắt xanh. Ngoảnh đầu lại để nhìn cô sẽ là một sự liều lĩnh điên rồ không tưởng được. Với đôi bàn tay thắt lấy nhau, không bị ai trông thấy giữa đám đông chật chội, họ nhìn thẳng trước mặt, và thay vì đôi mắt của cô gái, cặp mắt của người tù binh già vượt qua ổ tóc nhìn chòng chọc vào Winston, ai oán.